Cuốn II bắt đầu từ thời điểm ông Nguyễn Văn Linh lên cầm quyền cho đến khi ba ông cố vấn đưa ông Lê Khả Phiêu ra khỏi chiếc ghế tổng bí thư. Tuy có những câu chuyện còn kéo dài đến sau Đại hội Đảng lần thứ XI (1-2011), nhưng hai chương cuối của cuốn II chủ yếu nói về “cái đuôi” chủ nghĩa xã hội và những hệ lụy mà xã hội Việt Nam đang gánh chịu.
Chương Tướng Giáp được đặt ở vị trí cuối phần “Dấu ấn Nguyễn Văn Linh”, bắt đầu bằng một nỗ lực nhằm hạ uy tín của “vị tướng Điện Biên” diễn ra cuối nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhưng chủ yếu nói về mối quan hệ giữa Lê Duẩn - Tướng Giáp - Lê Đức Thọ. Những xung đột quyền lực đã chi phối phần lớn các quyết định liên quan đến cuộc chiến diễn ra thời thập niên 1960, kéo dài tới giữa thập niên 1980, liên quan đến không ít máu xương và để lại khá nhiều di chứng. Phần còn lại của cuốn II chủ yếu viết về những gì diễn ra bên trong Ba Đình thời thập niên 1990. Thời mà ý thức hệ không chỉ tồn tại như một đức tin của những người cầm quyền mà còn trở thành những công cụ chính trị phục vụ cho quyền lực.
Tuy nhiên, Quyền Bính không phải là một cuốn sách nói chuyện “thâm cung bí sử” cho dù có nhiều câu chuyện, có nhiều nhân vật được đặc tả rất cận cảnh. Những câu chuyện được kể trong cuốn sách này là sự chia sẻ của rất nhiều người trong cuộc về một giai đoạn mà Việt Nam đã bỏ lỡ những cơ hội có thể đi tới mục tiêu “công bằng, dân chủ, văn minh” do chính đảng cầm quyền đề ra. Tuy kinh tế thị trường đã làm thay đổi bộ mặt quốc gia và đời sống nhân dân nhưng Việt Nam vẫn tụt hậu cho dù “nguy cơ” này đã được chỉ ra từ năm 1994.
Chính sách đất đai, thay vì lựa chọn những phương thức sở hữu giải phóng tối đa tiềm lực trong đất và trong dân lại cứ tự trói buộc vào sở hữu toàn dân, chỉ vì phương thức này được coi là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế thay vì chọn phương thức hiệu quả nhất đã phải để cho kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Hệ thống chính trị thay vì lấy sự minh bạch, đảm bảo nguyên tắc kiểm soát quyền lực để có thể mang lại công lý và tránh tham nhũng, lạm quyền lại ưu tiên đảm bảo vị trí cầm quyền của Đảng.
Quyền Bính tiếp tục nói về những khúc quanh của Việt Nam. Nói về những thời điểm mà đảng cầm quyền thay vì nắm bắt tư duy của thời đại và ý chí của nhân dân, chỉ có thể loay hoay trong một cái vòng tự vẽ. Hệ thống chính trị, trải qua nhiều thế hệ, càng về sau lại càng có ít khả năng khắc phục sai lầm.
(Huy Đức)