Theo sự quan sát khách quan, người ta đối xử với đồng loại, cư xử với thế giới xung quanh như thế nào, phần lớn tùy thuộc vào cách người ta nhận thức về mình như thế nào.
Chúng ta có cách nhìn nhận “mình là ai” khác nhau, và những quan điểm khác nhau này ảnh hưởng lên hành vi của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta có thể xem xét mình theo khía cạnh phái tính, như nam hay nữ, hoặc theo khía cạnh là tín đồ của tôn giáo này hay tôn giáo kia, hay thành viên của chủng tộc này, quốc tịch này hay chủng tộc, quốc tịch kia. Chúng ta có thể nghĩ về mình về phương diện gia đình, là người cha hay người mẹ, chẳng hạn. Hoặc giả, chúng ta đồng hóa mình với nghề nghiệp, trình độ học vấn, hay với những thành tựu trong đời. Tùy thuộc vào góc nhìn mà chúng ta có những ao ước gì cho bản thân. Và điều này, đến lượt nó, lại tác động đến hành vi của chúng ta, đến cách cư xử của chúng ta đối với người khác.
tam nhin2.jpg
Mọi người đều có đặc điểm nhận dạng riêng của mình. Bởi vậy, điều quan trọng đầu tiên, trong nỗ lực phát triển một cách tiếp cận mang tính chất phổ quát thật sự đối với vấn đề đạo đức, là phải có một sự hiểu biết về điều gắn kết tất cả chúng ta, đó là nhân tính chung của chúng ta. Tất cả chúng ta đều là con người, tất cả bảy tỷ con người. Về phương diện này, thì chúng ta đều giống nhau trăm phần trăm.
Để bắt đầu chúng ta hãy xem xét điều làm cho chúng ta thành con người trên thực tế. Trước hết, đơn giản là thực tại vật chất, là thân thể của chúng ta, được tạo thành bởi nhiều bộ phận, nào là xương, cơ, máu - rất nhiều phân tử, nguyên tử, vân vân.
Ở mức độ vật liệu căn bản, không có sự khác biệt về chất giữa vật chất hình thành con người, chẳng hạn, với vật chất hình thành nên một tảng đá. Về phương diện thành tố nguyên vật liệu thì một tảng đá và thân thể con người cuối cùng được tạo ra bởi sự tập hợp các hạt bé tí. Khoa học hiện đại cho biết tất cả vật chất trong vũ trụ đều không ngừng được tái chế. Nhiều nhà khoa học có quan điểm cho rằng chính các nguyên tử trong cơ thể chúng ta có thời thuộc về các vì sao ở cách ta rất xa trong không gian và thời gian.
Tuy nhiên, rõ ràng con người thuộc về một bảng phân loại khác với một tảng đá. Chúng ta được sinh ra, lớn lên, và rồi chết đi như các cây cỏ và tất cả các động vật khác. Tuy nhiên, khác với cỏ cây, chúng ta có kinh nghiệm ý thức. Chúng ta có cảm giác đau đớn, thể nghiệm cảm giác sung sướng. Chúng ta là những sinh vật có tri giác mà ở Tây Tạng gọi là semden.
Trong một cuộc thảo luận với người bạn đã quá cố của tôi, nhà sinh vật học thần kinh Francisco Varela, chúng tôi nói về điều phân biệt các dạng động vật có tri giác với các loài cỏ cây. Theo tôi nhớ thì ông ta đề xuất một tiêu chí, đó là “khả năng của một cá thể di chuyển từ chỗ này đến chỗ kia”, hay đại khái ý của ông là như thế. Nếu một sinh vật có thể tự di chuyển thân của nó đi từ một nơi sang nơi khác để thoát hiểm hay để tồn tại, hay để kiếm thức ăn hay để sinh sản, thì nó có thể được xem là một sinh vật có tri giác. Định nghĩa này làm cho tôi thấy thú vị, vì nó hàm ý , từ quan điểm khoa học, xác định một sinh vật liên quan đến khả năng cảm thấy sung sướng và đau khổ, và phản ứng trước những cảm giác này, dù rằng những phản ứng đó phần lớn hay hoàn toàn mang tính chất bản năng. Ở mức độ cơ bản nhất, khả năng phản ứng trước môi trường xung quanh với kinh nghiệm có ý thức, là cái mà chúng ta có thể xem, theo nghĩa rộng nhất của nó, là “tâm”.
Đây không phải là lúc để đưa ra một sự bàn luận dông dài về đề tài rất rộng là cái gì tạo thành cái “tâm” và cách mà tâm con người được phân biệt với tâm của những sinh vật khác, cho nên chỉ cần vài dòng thôi cũng đủ.
Những thành tố đầu tiên của kinh nghiệm của con người, theo khoa học hiện đại, là những dữ liệu của các giác quan của chúng ta - cảnh vật, âm thanh, sự đụng chạm, mùi, và vị. Ở mức độ nhận thức là kinh nghiệm chủ quan của chúng ta về những cảm giác cơ bản này, đó là chúng ta cảm nhận chúng là dễ chịu, khó chịu, hoặc trung tính, hoặc kết hợp những nhận thức này. Trong chừng mực mà chúng ta biết được, thì chúng ta chia sẻ loại nhận thức từ kinh nghiệm của giác quan như dễ chịu và khó chịu với các loài động vật khác. Chẳng hạn, các loài chim và thú có vú, dường như cũng nhận thức kinh nghiệm giác quan theo cách giống như chúng ta, trong khi các loài động vật khác, như cá và côn trùng, dường như khác với chúng ta một cách đáng kể về phương diện này.
anh cctt.jpg
Một người mẹ khóc thét lên sau khi phát hiện đứa con gái 3 tuổi của mình đã chết, bị chôn vùi dưới đống đổ nát trong trận động đất kinh hoàng ở Nepal tháng 4-2015. Một trong những hình ảnh ấn tượng của nhiếp ảnh gia James Nachtwey được tạp chí Times bình chọn là một trong 10 ảnh của năm 2015
Dù lĩnh vực nhận thức của kinh nghiệm giác quan có rộng lớn và đa dạng bao nhiêu đi nữa, thì rõ ràng là mọi sinh vật có kinh nghiệm ý thức đều thiên về sự theo đuổi những kinh nghiệm dễ chịu và tránh né những kinh nghiệm khó chịu hoặc đau đớn. Về phương diện căn bản này, chúng ta, những con người, không khác lắm với những loài động vật khác. Giống như các loài động vật, chúng ta tìm cách tránh né đau khổ và tự nhiên bị thu hút về những kinh nghiệm dễ chịu hay sung sướng.
Nhưng nếu xu hướng căn bản này là một đặc điểm xác định sinh vật có tri giác nói chung, thì con người vẫn tạo ra một nhóm riêng khá đặc biệt. Rõ ràng là ở con người có những đặc điểm khác hơn là chỉ phản ứng trước các kinh nghiệm giác quan. Chẳng hạn, chúng ta, không giống như chó hay mèo, phần lớn, phản ứng trước các kinh nghiệm thuần túy dựa trên bản năng. Con người chúng ta, đã tiến hóa qua hàng ngàn năm, tới một mức độ phức tạp kỳ diệu, cho nên chúng ta khác biệt với tất cả các loài động vật khác. Sự khác biệt này được phản ánh ở kích thước lớn của bộ não mà phần vỏ não đằng trước phát triển hơn nhiều so với não của các loài khác.”.
(Cách mà chúng ta tự thấy mình như thế nào sẽ kiến tạo thực tại hiện tiền như thế đó. Chính từ sự thay đổi cách nhìn làm thay đổi cuộc đời của mỗi người và góp phần thay đổi cả thế giới.
Tất nhiên, sự thay đổi căn bản không thể trong một thời gian ngắn, mà sẽ diễn ra một cách từ từ qua sự gia tăng ý thức, và ý thức chỉ có được thông qua giáo dục).
Dalai Lama