Theo truyền thống của gia đình người Việt, ngày giỗ, ngày Tết là dịp con cháu đoàn tụ, quây quần cùng sắm sửa lễ vật dâng cúng tổ tiên, ông bà. Đó là một việc làm trân trọng, thiêng liêng và cũng là những ngày vui của nhiều thế hệ. Bởi lẽ:
Cây có gốc mới trổ cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu
Người ta nguồn gốc từ đâu?
Bởi có tổ tiên rồi sau có mình”.
(Ca dao)
Thế nhưng trong tình hình hiện nay, khi mà khoa học kỹ thuật có nhiều tiến bộ, nhất là trước sự tác động của cơ chế thị trường, nền tảng của gia đình đã bị tấn công từ nhiều phía. Việc thờ phụng và giỗ chạp tưởng nhớ đến tổ tiên, cha mẹ trong nhiều gia đình không còn được đầy đủ ý nghĩa như xưa.
Nhằm góp phần lưu giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa trong gia đình Việt Nam, tác giả Trần Ngọc Lân đã sưu tầm, biên soạn quyển sách “Vui buồn giỗ tết”. Sách do nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2018 với độ dày 343 trang, bố cục gồm 2 phần:
Phần 1 tiêu đề “Ngày giỗ” với bài mở đầu của tác giả viết về “Ngày giỗ, ngày Tết và những chuyện buồn vui”. Tiếp sau đó là những bài viết trao đổi của nhiều tác giả bàn về cách ứng xử, quan hệ trong gia đình, họ hàng như: “Kim chỉ cần phải có đầu”, “Gốc xưa” phải giữ, Từ sau lũy tre làng, Khi đã là “anh, chị cả”, Niềm vui và nỗi buồn, Thương nhau xin có đôi lời… Qua dẫn chứng những hoàn cảnh, tình huống thực tế, các bài viết bàn về các mối quan hệ của con cháu đối với việc cúng giỗ người thân đã khuất, từ đó đề cập đến việc cần phải giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt.
Phần 2 tiêu đề “Ngày Tết” tập hợp các bài viết như: Ý nghĩa ngày Tết, Tâm linh người Việt trong khói hương ngày Tết, Cỗ Tết và không khí ngày xưa, Ngày xuân nói chuyện đi lễ, Năm mới suy nghĩ về hai chữ “Phúc, Đức”, Rộn ràng chợ Tết phương Nam, Cành đào Tết, Hoa mai trời Nam, Đòn bánh Tét và những kỷ lục, Thời khắc xuân, Giá trị tuyệt vời của những cánh trà sen, Mái tóc với mùa xuân, Đôi nét về ba ngày Tết chưa xa, Nỗi riêng của những người đón Tết xa nhà, Tết của thời nay - Lo như lo …Tết, Mùa xuân mùa của khát vọng, Tâm sự người được trở về,… Mỗi bài viết là mỗi góc nhìn khác nhau xoay quanh các khía cạnh của ngày Tết cổ truyền của dân tộc, nhưng đều gửi đến độc giả một nhận thức chung: Những ngày Tết chính là những ngày dành cho gia đình, là dịp thực hiện những phong tục cổ truyền tốt đẹp của dân tộc. Cách thức người Việt đón Tết xưa và Tết ngày nay tuy có những thay đổi nhưng vẫn còn đậm đà phong vị cộng đồng, là quãng thời gian giải lao để mỗi người tiếp thêm ý chí, nghị lực trên những chặng đường đời. Ngày Tết vẫn chứa đựng những nhân tố văn hóa truyền thống, vẫn là điểm hội tụ sáng đẹp của triết lý nhân sinh cao cả về sự chan hòa của con người với tự nhiên, vẫn là cái biểu trưng cho một cuộc khởi hành mới, dẫu biết vẫn còn gian khó, mà vẫn lạc quan, hy vọng.
Đọc “Vui buồn giỗ tết” để chúng ta hiểu rõ hơn về những tập quán đã nuôi dưỡng tinh thần của người Việt, từ đó góp phần giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.