"... Việt sử diễn nghĩa là bộ sử ca bằng chữ Nôm, do các ông hoàng triều Nguyễn gồm Tôn Thất Hân, Hồng Nhung và Hồng Thiết biên soạn, là tác phẩm xuất hiện khá muộn trong quá trình trước tác học thuật của chế độ phong kiến Việt Nam. Trong bối cảnh văn minh - văn hóa phương Tây như luồng gió mới, có sức hấp dẫn lớn, đã góp phần làm thay đổi nhanh chóng diện mạo xã hội Việt Nam vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, khi chữ Quốc ngữ đã có những thành tựu bước đầu trong sáng tác và học thuật, thì sự ra đời tác phẩm sử ca bằng chữ Nôm như Việt sử diễn nghĩa quả là một hiện tượng đặc biệt. Nói đặc biệt tức xét về bối cảnh, quan niệm, cảm hứng nghệ thuật và về tình cảm của những trí thức phong kiến cuối cùng đối với lịch sử dân tộc. Nhưng có thể do chưa gặp cơ duyên nên ngoài Việt sử diễn nghĩa tứ tự ca, như một bản tóm tắt, chỉ 808 câu loại thơ 4 chữ, đã được in (18 tờ, 36 trang), còn Việt sử diễn nghĩa bằng thơ lục bát, dài đến 1.884 câu, vẫn đang ở dạng chép tay, hầu như chưa từng được xã hội biết đến.
Từ năm 1976, khi gặp được nguyên bản Việt sử diễn nghĩa, chúng tôi đã lưu tâm tìm hiểu về văn bản, tác giả, rồi bước đầu phiên âm, chú thích, phân đoạn... Trên cơ sở những gì có được, từ năm 1983, chúng tôi đã lần lượt giới thiệu Việt sử diễn nghĩa bằng một số bài nghiên cứu in trên các tạp chí, các thông tin khoa học, hoặc bằng tham luận trong các hội thảo khoa học. Cũng từ đó, chúng tôi mong muốn có được điều kiện thuận lợi để trình bày, giới thiệu một cách đầy đủ, trọn vẹn Việt sử diễn nghĩa đến với người đọc, đồng thời phổ biến nguyên bản tác phẩm để cùng nhau góp phần gìn giữ loại văn bản quý hiếm của người xưa đã để lại..."
- Trích Lời nói đầu của Dịch giả Phan Đăng