Vài Suy Nghĩ về Giáo Dục là tác phẩm duy nhất John Locke viết về giáo dục, nhưng từ khi ra đời, tác phẩm này đã được sự đón nhận nồng nhiệt không những tại Anh quốc mà còn được dịch ra hầu hết các thứ tiếng khác trên lục địa Âu châu trong suốt thế kỷ 18. Mặc dù đây không phải là một triết lý về giáo dục bao gồm các phạm trù triết học như siêu hình học, nhận thức luận, đạo đức, giá trị luận, cùng các quan tâm khác về chính sách giáo dục, tác phẩm này đã có một ảnh hưởng lớn đến các nhà tư tưởng về giáo dục đồng thời với ông hoặc sau ông, trong số các nhà tư tưởng này phải kể đến Jean Jacques Rousseau. Trong tác phẩm này, Locke bàn đến các nguyên tắc chính yếu trong sự giáo dục trẻ em khởi đầu bằng việc rèn luyện kỷ luật tự giác cho trẻ em; đối thoại với trẻ em khi chúng bắt đầu biết nhận thức, và nhất là rèn luyện và trau dồi đức dục. Trí dục tuy quan trọng, nhưng theo Locke, không quan trọng bằng đức dục: "...còn nếu mà không rèn luyện được đức tính, để tránh những thói hư, tật xấu, thì những môn ngôn ngữ hay khoa học hay bằng cấp nọ kia cũng chẳng ích gì, vì nó có thể tạo nên một con người xấu xa hay nguy hiểm hơn cho xã hội."