Văn hóa dân gian là một kho tàng tri thức vô giá mang trong mình những lời dạy, lời đúc kết quý báu của bao đời dành cho các thế hệ sau. Dù nó được thể hiện dưới dạng văn vần, câu thơ, tục ngữ hay chỉ là bài đồng giao, câu đố. Thì những giá trị của nó dành cho con người là vô giá. Vậy mà sự tồn tại và cách đi của nó để có thể ăn sâu được vào tâm trí của từng người dân lại bằng con đường rất đơn giản: “truyền miệng”. Cuốn sách “Tục ngữ Việt Nam hay nhất” ra đời nhờ việc bắt nguồn từ sự cần thiết dùng cho học sinh, sinh viên và nhiều các đối tượng khác, giúp cho thế hệ trẻ hiểu và dùng được vốn từ ngữ trong văn hóa dân gian. Hiện nay nhiều bộ phận giới trẻ đang bị mai một dần đi những giá trị văn hóa của cả dân tộc. Điều này đã thôi thúc tác giả tổng hợp và bắt tay vào công cuộc làm nên cuốn sách này, cuốn sách mà không chỉ đối tượng học sinh mới cần.
Tục ngữ là một hiện tượng văn hoá đa diện, đa dạng. Tục ngữ là một hiện tượng ngôn ngữ, hiện tượng của tư duy và hiện tượng của văn học dân gian. Điều này giải thích vì sao sự diễn đạt của tục ngữ đã hấp dẫn, lôi cuốn các nhà ngôn ngữ, các triết gia và các nhà văn hoá dân gian. Tục ngữ, từ lâu đã được nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhác nhau và luôn đem đến cho chúng ta những điều thú vị và cuốn sách này giúp ta hiểu hơn về điều đó.
Với tư cách là một loại hình văn học dân gian, tục ngữ Việt là tấm gương phản ánh kết quả tư duy, in đậm dấu ấn nền văn hoá nông nghiệp lúa nước, mang nét riêng so với văn hoá của dân tộc khác. Tóm lại, có thể thấy chất liệu biểu trưng là một trong những nhân tố làm nên vẻ riêng và thể hiện đặc trưng văn hoá - dân tộc thể hiện rõ nét qua những câu tục ngữ là điều mà mỗi chúng ta cần trân trọng và nâng niu.