Người viết ai cũng muốn tự làm mới mình, nhưng sự thay đổi gần như lột xác về văn phong bút pháp của Trương Văn Dân trong cuốn Trò chuyện với thiên thần quả thực ít gặp …
Trở về nước, người cha hiếm muộn chợt ngỡ ngàng sung sướng xen lẫn âu lo khi biết vợ mình có thai. Anh ta đắm chìm triền miên trong ảo giác được “Trò chuyện với thiên thần” là cái mầm sống đang hình thành trong bụng vợ, hết chuyện này đến chuyện khác, lộn xộn không đầu chẳng cuối. Cốt truyện kết thúc bằng bi kịch khủng khiếp với cái chết của thiên thần chưa kịp thành người vì mẹ nó bị nhiễm chất độc phóng xạ.
Thế nhưng nếu gọi đây là một giáo trình tổng hợp về nhân loại học như một “Bách khoa thư” về cuộc sống cũng không sai bởi mỗi lần trò chuyện của người cha với thiên thần nhỏ bé là một bài giảng bao chứa các vấn đề triết học, tôn giáo, đạo đức học, xã hội học; thậm chí cả những vấn đề về chính trị học, kinh tế học của thế kỷ XX vắt qua hai thập niên đầu thế kỷ XXI như chiến tranh, toàn cầu hóa kinh tế, cách mạng tin học… Ấn tượng sâu đậm khi đọc Trò chuyện với thiên thần chính là lối viết độc thoại nội tâm và tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh toát lên trong toàn bộ tác phẩm.