Áo mẹ cơm cha
Một đời không trả hết
Chính mẹ cha đã dạy cho trái tim con biết
Thế nào là tình yêu giữa những người nghèo...
Con đã thấy trên đường đi về phía trước
Nghìn hố sâu ngăn cách vô cùng
Mỗi người dân mang một chiếc cùm
Khản cổ kêu gào áo cơm dân chủ...
Chỉ riêng cái tên Sài Gòn - Dậy Mà Đi thôi, cuốn sách đã gợi lên trong lòng người đọc nhiều cảm xúc và những hình ảnh mà giờ chỉ còn có thể thấy trong những tấm ảnh, những thước phim tư liệu,... Sài Gòn - Dậy Mà Đi mở đầu bằng màu áo trắng học sinh, sinh viên xuống đường đối mắt với dùi cui, lựu đạn cay và những đòn đàn đáp của chính quyền. Ấy là một thế hệ của Sài Gòn đã hành động vì lý tưởng của mình theo cách riêng. Những tấm áo trắng mong manh, tinh khôi tưởng như chẳng thể làm gì khác ngoài cầm bút trên giảng đường thì lại có thể khơi dậy và tiếp nối truyền thống đấu tranh trong lòng đô thị.
Sài Gòn - Dậy Mà Đi ghi lại nhiệt huyết tuổi trẻ trước vận mệnh dân tộc, trước tình bạn, tình đồng chí, đồng đội, trước lý tưởng. Những người trẻ ngày ấy đấu tranh với chế độ độc tài, với tội ác tàn sát đồng bào, với nhà lao và ngục tù khắc nghiệt. Cuộc chiến ấy đau đớn, tàn nhẫn nhưng không làm chùn bước những thanh niên với ước vọng nên người để phụng sự xã hội.
21 bài ký trong Sài Gòn - Dậy Mà Đi là những trang ký ôn lại một thời đã qua lâu lắm trong quá khứ của một tấm lòng thấu hiểu, chia sẻ và thắp lên sức mạnh cho thanh niên Việt Nam bất kể đã qua bao nhiêu thời đại, bao nhiêu thập kỷ.