Những người tự đục đá kê cao quê hương của Lê Thị Bích Hồng là tập tiểu luận – phê bình đã “vẽ” và “dựng” bảy chân dung nhà văn dân tộc ít người. Đó là: Nông Quốc Chấn, Y Phương, Cao Duy Sơn, Mai Liễu, Bàn Tài Đoàn, Pờ Sảo Mìn và Lò Ngân Sủn.
Những người tự đục đá kê cao quê hương gợi cho độc giả suy ngẫm về một vấn đề quan trọng và bức thiết: Nhà văn dân tộc ít người và việc sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ. Bằng cách cùng lúc huy động và vận dụng phượng pháp liên ngành (Địa – văn hóa, Phong cách học, Thi pháp học, Dân tộc học, Xã hội học,…) để nghiên cứu đặc sắc và đóng góp của mỗi nhà nghệ sĩ ngôn từ thuộc các dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S vào sự phát triển của nền văn học Việt Nam thống nhất thời hiện đại.
Bảy nhà văn được giới thiệu trong công trình thuộc nhiều thế hệ, nhưng mẫu số chung giữa họ chính là “người của thời đại cách mạng”, và đích đến cũng như động cơ cầm bút của các thế hệ này cũng chỉ có một. Họ viết như một sự thúc bách nội tâm, như một duyên nghiệp, như một định mệnh.