Thuật ngữ nhân học có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ, được ghép lại bởi hai từ anthropos nghĩa là người, con người và logos nghĩa là khái niệm, học thuyết. Vì vậy, có thể gọi Anthropology là khoa học nghiên cứu về con người (nhân học) mà trong một số tài liệu ở Việt Nam gọi làn nhân học hay nhân chủng học.
Nhân học là ngành khoa học nghiên cứu tổng hợp về bản chất của con người trên các phương diện sinh học, xã hội, văn hoá của các nhóm người, các cộng đồng dân tộc khác nhau, cả về quá khứ của con người cho tới hiện nay.
Thế thì một vấn đề được đặt ra là, trong khi nhân học đảm nhận chức năng nghiên cứu về con người thì các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác sẽ nghiên cứu vấn đề gì và mối quan hệ giữa chúng ra sao? Đây là một vấn đề cần được làm sáng tỏ.
Trong nghiên cưứ khoa học cần phải phân biệt giữa khách thể và đối tượng nghiên cứu một cách rõ ràng để tránh sự nhầm lẫn. Khi nói về con người với tư cách là một thực thề sinh học – xã hội thì nó chỉ là khách thể chứ chưa là đối tượng nghiên cứu của bất kỳ khoa học nào. Với khách thể cực kỳ phong phú, với tính đa diện của con người, để tìm hiểu, người ta buộc phải chia ra làm nhiều lĩnh vực (khía cạnh, cắt lát) để nghiên cứu, mỗi lát cắt chuyên biệt mới là đối tượng nghiên cứu của một khoa học chuyên ngành. Chúng ta có thể thấy nhiều ngành khoa học liên quan đến con người như y học, sinh học, triết học, văn học, ngôn ngữ, kinh tế, chính trị, luật pháp… đều có nghiên cứu về con người. Nhưng những ngành khoa học này chỉ nghiên cứu con người theo những khía cạnh nhất định, phù hợp với chức năng riêng của mình. Bởi vậy, con người với tư cách là một thực thể sinh học – xã hội của nó không thể trở thành đối tượng riêng của từng ngành khoa học đó. Con người xét một cách tổng thể chỉ là khách thể chứ chưa là đối tượng riêng của từng khoa học có nghiên cứu về con người, mà trước hết là các ngành khoa học xã hội và nhân văn.