Cuốn tiểu thuyết viết về một người con gái tên Hường với thân phận ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh, từ khi mẹ chết vì băng huyết khi sinh em, bị cha bán cho một người đàn bà chuyên buôn bán lên mạn ngược, cuối cùng cô đã về sống trong gia đình cách mạng người Thượng Ma Say và Mí Đao.
Cô yêu và có con trai với anh cán bộ tên Long. Anh hy sinh, cô lại phải lòng tên lính nguỵ Sáu Lực và có với y hai đứa con gái… Long trở về, A Páo (người con trai của Ma Say và Mí Đao) cũng trở về, hai người đều là cán bộ, cả đứa con trai tên Sơn của cô nữa, cũng là cán bộ cách mạng, còn cô…
Tất cả những đắng cay vùi dập đó không làm nhạt phai nhan sắc mặn mà của người đàn bà đi trong mưa.
Xao xác tiếng gió bên ngoài cửa sổ và tiếng những giọt mưa rơi lắc rắc xuống mái tôn. Chị bị bủa vây bởi âm thanh hỗn độn ngoài trời. Một cơn mưa rừng bất tử giữa mùa khô hanh. Nước đổ xuống ào ào, như là trời nổi cơn thịnh nộ. Hường cảm nhận được cả những giọt mưa sắc nhọn đập trên đầu mình, xuyên qua mái tôn chọc thẳng vào óc.
Mưa mà vẫn nóng. Không khí oi nồng ngột ngạt gây cho người ta một cảm giác bứt rứt, khó chịu. Những trận mưa ban ơn như người dân vùng núi thường gọi đánh thức cho cây cối tỉnh lại sau những ngày dài say nắng. Mưa rũ đi lớp bụi đỏ bám trên cây lá, tiếp thêm sức sống cho những con suối đã chuẩn bị kiệt khô nước. Sớm mai bừng tỉnh dậy, sắc núi như mịn màng hơn. Cây lá trên triền núi cũng như xanh hơn…
Hình như có một thời Hường cũng từng khao khát những giọt nước trời ấy. Chỉ có điều giọt mưa dài đều trên mái lá dịu dàng hơn, ấm áp hơn. Chứ không ồn ào dữ dội như thế này. Gió luồn vào kẽ vách mơn man trên tóc, trên da mặt…