Mùi chữ giới thiệu các bài phê bình của nhà báo Nguyễn Hoài Nam về văn học, văn hoá, đặc biệt là các vấn đề “nóng” của đời sống văn chương đương đại Việt Nam. Nhanh nhạy trong phát hiện vấn đề; phân tích thẳn thắn, trực diện, với những đề xuất, kiến nghị khá thực tế, cuốn sách tiêu biểu cho phong cách phê bình văn học trên báo chí, đồng thời cho thấy một diện mạo của nhà báo chân chính: sắc sảo, có trách nhiệm và luôn hướng tới tính thực tiễn trong nhìn nhận, đánh giá vấn đề.
Ba phần của cuốn sách: Tìm lại người quen, Tìm trong trang sách và Nghĩ về văn chương cho thấy mối quan tâm lớn của người viết: Chủ động phản biện và phát hiện, làm bật lên những điều mới, “đánh đổ” những nhận thức tưởng đã “đóng đinh” ở những hiện tượng hoặc gương mặt văn chương quen thuộc. Bài viết về Xuân Diệu, Hoài Thanh và điểm dừng bảo thủ của nhà nghệ sĩ, nhà phê bình… đặt ra những vấn đề, những bài học đáng suy nghĩ: tài năng lớn, cũng có những “điểm dừng bảo thủ”. “Điểm dừng bảo thủ” xảy ra khi phong cách sáng tạo của người nghệ sĩ đã định hình, định dạng (oái oăm thay, đây lại là dấu chỉ về tài năng của nghệ sĩ)… Yêu quá, cảm phục quá nên đôi khi người ta “lờ” đi, hoặc đơn giản là không nhận ra gót chân “Asin” của thần tượng […] đó là điều không nên trên con đường truy tầm những diện mạo đầy đủ và trung thực của thơ ca trong quá khứ”… Viết về những giá trị quá khứ, Hoài Nam đề cao những thành tựu và những đỉnh cao, nhưng luôn đề xuất để tìm trong đó những vấn đề còn có thể áp dụng trong văn chương hôm nay; hậu thế có thể học được gì từ các bậc tiền nhân cũng như từ các nhà văn – nhà tư tưởng của nhân loại. (Loạt bài viết về những cuốn sách có giá trị ảnh hưởng: Cái chết tóm lấy cái sống – viết về cuốn sách Thực thể Việt nhìn từ toạ độ chữ; Ám ảnh lò thiêu qua vài cuốn tiểu thuyết, Lệ thuộc sinh ra lực cản, Lịch sử và hai lần diễn dịch, Sự ham muốn của bút pháp, v.v).
Mùi chữ là tập phê bình, tiểu luận cho thấy sự trân trọng các giá trị văn học của dân tộc, qua đóng góp của một số gương mặt tiêu biểu (đôi khi được nhìn ở góc độ “phản biện”); đồng thời thông qua các tác phẩm văn học có “tầm” tư tưởng của dân tộc và nhân loại, người viết đề cao sách vở và tri thức, nhưng đặc biệt đề cao tính tư tưởng soi chiếu vào thực tiễn, là động lực thúc đẩy thực tiễn phát triển. Tập sách cũng thẳng thắn bày tỏ những quan điểm, suy nghĩ của nhà báo Hoài Nam về các vấn đề “nóng” đang còn bỏ ngỏ của lý luận văn học và đời sống văn chương đương đại Việt Nam: thế nào là bản sắc văn hoá dân tộc, viết tiểu thuyết lịch sử như thế nào, khái niệm “đề tài” với người sáng tác, “thực tế” đối với sáng tạo của nhà văn, dũng khí của nhà phê bình, phê bình cánh hẩu, văn nhân với thị trường hay sự phân hoá về trình độ nhận thức của công chúng của nghệ thuật, v.v. Đây là những vấn đề cần được tạo diễn đàn để trao đổi một cách thấu đáo.
Tác giả
Nhà báo Nguyễn Hoài Nam có bút danh quen thuộc với độc giả và khán giả truyền hình là Hoài Nam. Anh sinh năm 1975, tại Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1997, anh về công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam, từng là biên tập viên kiêm người dẫn chương trình Diễn đàn Văn học Nghệ thuật – chuyên mục bám sát và cập nhật tình hình văn học nghệ thuật trên cả nước. Hiện nay, anh đang phụ trách chuyên mục của VTV1 – Tủ sách của chúng tôi.