Là một người đi dạy học nhiều nơi trên thế giới, tận mắt chứng kiến ở xứ người nhiều điều tốt đẹp và tiến bộ trong sinh hoạt của dân chúng, trong quản trị quốc gia, trong tổ chức xã hội, tác giả không thể ngăn mình so sánh với những gì đang diễn ra nơi cố hương. Nếu tinh ý, ta có thể nghe ra trong tập sách này nhiều tiếng thở dài thầm kín, đằng sau những con số và sự kiện.
Tuy nhiên tác giả không sa đà phê phán bằng những luận điểm mang tính định lượng - thống kê về sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dù với tư cách một chuyên gia về chiến lược phát triển kinh tế ông có đủ thẩm quyền để nói về điều đó.
Trái lại, ông chỉ gợi ý về những thiếu sót mang tính văn hóa. Cuốn sách là một dạng văn chương và ông không nỡ chất thêm gánh nặng thực dụng cho nó. Ông không chủ ý phê phán, vì trái tim ông có những lý lẽ riêng, và đây chủ yếu là tâm tình được viết lên. Nhưng đáng chú ý là khi viết về quê nhà, từ một niềm thương nhớ khôn nguôi sâu thẳm, ngòi bút văn xuôi trong tay Trương Quang trở thành một công cụ săn tìm những cái đẹp văn hóa và tự nhiên đang có nguy cơ tiêu tan, mất hút giữa thế giới xô bồ.
Ngòi bút ấy nâng niu, vuốt ve một tiếng chim, một giọng ru con, một cử chỉ, một hình bóng, một thoáng hơi lạnh buổi hoàng hôn Hà Nội, chút hương thơm tỏa xuống từ những chùm hoa sữa, vâng, “những chuyện tầm thường”, như tác giả thú nhận. (Còn những điều lớn lao thì ông chỉ dám mơ, chỉ dám tưởng tượng, chẳng hạn những chuyến xe khách đường dài tuyệt hảo về dịch vụ hoặc một nền văn hóa xe buýt thay thế cho văn hóa xe máy). Rất hiếm khi ta bắt gặp được một nụ cười hạnh phúc của tác giả như khi ông hết lời khen ngợi khách sạn De Syloia ở Hà Nội như một nơi cư trú chọn lựa (place of choice), một nơi phải quay lại của nhiều khách ngoại quốc, dĩ nhiên là cả ông nữa.
Đó là động thái của một người biết mình không còn nhiều thời gian và cơ hội để chiêm ngưỡng hay góp sức gìn giữ những giá trị hiếm hoi sắp trở thành những mẫu vật của quá khứ, của ký ức. Những vẻ đẹp, những giá trị đó hoặc bị xâm lấn bởi thế giới ngày càng bị chương trình hóa, hoặc lòng người đã chai đá không còn chút rung động, chứ đừng nói là “bàng hoàng” như tác giả của cuốn sách này: “Có lẽ điều khiến tôi bàng hoàng nhất là vẻ đẹp kỳ bí của những con sông. Những con sông có những cái tên đẹp (Thạch Hãn, Nhật Lệ…) như trong truyện thần thoại...”. Có lúc ta cảm thấy nỗ lực đi tìm những gì sắp biến mất ấy là một nỗ lực tuyệt vọng, như chính những câu văn đẹp đến độ huyền ảo, mong manh như khói sương dễ bị nhấn chìm vào cuộc sống ngoài kia vốn dửng dưng với văn chương và nghệ thuật.
Cùng một cảm quan của kẻ dường như bị lạc ngoài dòng chính đó, khi đi đâu xa, tác giả cũng biến mình thành một nhà hành hương, cố “góp nhặt cát đá” cho chiếc ba-lô tâm thức của chính mình và cũng để có dịp chia sẻ với người đọc (qua tập sách này). Giữa Hà Lan tươi đẹp, tác giả quan tâm đến cái chết của con thiên nga và dẫn dắt người đọc vào câu chuyện tuyệt vời về bảo vệ súc vật, về mối tương quan sinh tồn hài hòa giữa vật và người. Cũng ở xứ sở của “hoa và mật ong” này, tác giả kể cho chúng ta nghe người Hà Lan đã trở về với những điều căn bản (back to basics) như thế nào trước bão táp khủng hoảng kinh tế - không phải bằng những biện pháp tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng mà, lạ thay, chính là bằng cách “phục hồi những giá trị truyền thống tốt đẹp và mẫu mực”.
Mang cái tinh thần back to basics đó đến tận thành phố Nam Kinh (Trung Quốc), tác giả thu vào tầm nhìn của mình “một cụ già quê mùa, tay chân thô tháp, cô độc trong tuổi già, có lẽ chỉ bán khoai cho vui…”. Và cùng với phong mạo của lão là “những củ khoai nhỏ bằng hai lóng tay…” và “lửa được đốt từ một cửa nhỏ ở cạnh hông gần đáy thùng phuy…”. Rồi khi về vùng Giang Nam, tác giả như dán mắt không rời vào cây tiêu huyền, để rồi sau đó cung cấp cho chúng ta một bản miêu tả tỉ mỉ thoạt đọc tưởng là khách quan hiện tượng luận lắm nhưng kỳ thực đã vương vấn rất nhiều tâm tư của một người đã thành con nai bị thiên nhiên Giang Nam đánh lưới (nói theo hai câu thơ của Xuân Diệu: Tôi là con nai bị chiều đánh lưới / Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối.)
Lật ngẫu nhiên trang sách nào, độc giả cũng dễ dàng tìm thấy những dòng mô tả tỉ mỉ về cảnh quan, đồ vật, cử chỉ con người kèm theo tiếng than thầm, hay nhịp đập reo vui từ con tim của tác giả.
Bị thiên nhiên đánh lưới hoàn toàn tâm hồn, tác giả đem đến cho ta những trang văn đẹp, những hình ảnh đẹp; nhưng khi bị thiên nhiên đánh lưới cả đầu óc, tác giả hiện diện trước chúng ta như một nhà quản lý môi trường với triết lý phát triển bền vững (sustainable development), và thay cho những mỹ cảm là sự rành rõ của những luận điểm hay bằng chứng khoa học.
Từ tọa độ bảo vệ môi trường, đây là những dòng ca ngợi thành phố Windhoek của Namibia sau khi tác giả dẫn ra những con số và hình ảnh sống động: “Windhoek là một tác phẩm gần như tuyệt hảo của các nhà kỹ trị thiết kế đô thị tài ba và các chính trị gia sâu sắc, được cấu kết hài hòa giữa kế thừa và hiện đại, nới rộng và bảo tồn”. Và đây nữa, giữa cánh rừng gần ngôi nhà của mình ở Hà Lan, tác giả không đi dạo và mải mê suy tưởng về những chuyện cao siêu trên trời đến mức rơi xuống hố như Thalès. Tác giả vừa đi vừa nghĩ về “những cánh rừng nội đô (urban forest/forest park) ngày càng phát triển và nhân rộng ra khắp nơi trên toàn thế giới hiện nay”.
Và không có gì ngạc nhiên khi ta bắt gặp quan điểm “cứng rắn” của ông: “Con người khó có thể sinh hoạt, suy nghĩ bình thường, làm việc có hiệu quả và tiếp tục sáng tạo trong một môi trường sống căng thẳng thường trực, giữa rừng người, xe cộ và cao ốc đan dày ngột ngạt như hiện nay.” Nhưng có lẽ cũng vì “thái độ cứng rắn” đó mà tác giả đã quá nặng lời với hệ thống giao thông ở thủ đô Vương quốc Thái Lan khi cho rằng nó đã “phá hỏng gần hết không gian môi trường sinh thái mà vẫn không làm giảm được nạn tắc nghẽn lưu thông trầm trọng thường ngày của Bangkok”.
Đến đây, có thể nói, tác giả là người đi tìm kiếm cái đẹp, nhưng không phải để thỏa mãn óc duy mỹ, dù tác giả có thừa điều kiện để duy mỹ (ngoài văn xuôi, Trương Quang còn vẽ tranh, làm thơ). Đúng ra, những cái đẹp mà tác giả chịu khó tìm kiếm và giới thiệu cho chúng ta luôn gắn liền với cuộc sống - cuộc sống hàng ngày, cuộc sống giản dị của số đông, cuộc sống căn bản của con người phổ quát trên trần đời này. Và ta nhận ra ở đây một tâm hồn luôn “mơ về” những lý tưởng nhân văn nền tảng khi phóng chiếu ý hướng của mình lên cảnh quan đi qua.
Thật khó tưởng tượng được một trí thức mẫn cảm, một ngòi bút tinh tế đi rộng biết nhiều như Trương Quang lại không viết ra tập sách này.
Mai Sơn