Cuộc sống vốn dĩ là một mê cung khổng lồ, nơi con người luôn quay cuồng, tìm mọi cách chiếm đoạt, sở hữu, giành giật lẫn nhau, rồi đánh mất chính bản thân mình lúc nào không biết. Đôi khi trên ngả đường đời, người ta bắt buộc phải rẽ vào một lối đi khác hẳn mong muốn, thế rồi đến tận cuối đời, phút nhắm mắt xuôi tay vẫn còn vẹn nguyên nỗi ân hận, day dứt, trói buộc không sao cởi thoát nổi. Mê cung là tên tập sách, đồng thời cũng là mã khoá quan trọng mà nhà văn Nguyễn Phan Hách muốn truyền tải tới bạn đọc.
Trong tiểu thuyết Mê cung của nhà văn Nguyễn Phan Hách, nhân vật xuyên suốt là Vũ Quang Huy, một thân phận rất người, từng có tất cả và đánh mất tất cả, rồi lại có, tính cách thiện lành và yếu ớt. Ở một mặc khác, có cậu ấm Cử, sinh ra trong một gia đình phong kiến cổ điển, lại tiếp thu nền giáo học Tây Âu, đại diện cho một lớp thanh niên tri thức mới, với bao mơ ước, dự định đẹp đẽ, không tưởng trong đồn điền của cha mình. Rồi cậu gặp Nô en. Đôi trai tài gái sắc tân thời ấy yêu nhau như trong định mệnh, tưởng rằng không thể lìa xa. Thế nhưng dòng chảy của thời đại đã cuốn trôi tất cả, chàng trai Quang Huy gặp bà Đức Hạnh, theo cách mạng, để rẽ cuộc đời sang một quỹ đạo khác. Bản thân bị phụ bạc, cách mạng lại tịch biên tài sản gia đình, Nô en quá đau lòng bỏ đi tu. Thời gian dần trôi, lớp người này qua đi, lớp khác lớn lên. Những số phận quay cuồng xung quanh ông già Quang Huy, đến, đi, vượt lên, đào thoát, không bao giờ những ham muốn dừng chân. Tự hỏi vậy đâu là lối thoát, đâu là hạnh phúc cuối cùng cho những con người luôn khát khao yêu thương và được yêu thương ấy?
“Phải, không có sự cao thượng, con người chỉ như một bầy thú tranh ăn...” Có phải đó chính là hệ quả của một xã hội đang ngày càng tha hóa?