Cuốn sách biên khảo Martin Heidegger & Tư tưởng hiện đại[1] được xuất bản lần đầu tiên ở Sài Gòn, Nxb Vĩnh Phước ấn hành năm 1963, cho ta biết thêm về một Bùi Giáng – nhà giải minh trong văn chương và triết học, bên cạnh một Bùi Giáng – thi sĩ uyên thâm đã quá nổi tiếng mà chúng ta hằng biết.
Martin Heidegger (1889-1976) được coi là nhà tư tưởng lớn và nổi tiếng giữa thế kỷ XIX và cuối XX. Những bài viết triết học của ông đã gây chấn động trong lịch sử triết học thế giới. Tất cả tư tưởng của Heidegger nằm trong phạm trù triết học của con người và được nêu rõ nhất trong tác phẩm “Sein und Zeit” (Hữu thể và Thời gian) ra đời năm 1927.
Tư tưởng hiện đại, đối với Bùi Giáng không được khu biệt một cách chặt chẽ theo mốc thời gian, mà có thể là bất cứ ai – từ Homère, Sophocle, Parmenides, Khổng Tử, Nguyễn Du… đến Camus, Faulkner đương đại…
Martin Heidegger & Tư tưởng hiện đại không chỉ nói về Heidegger hay tư tưởng của ông. Thông qua cuốn sách, Bùi Giáng đã cho chúng ta thấy được nhiều suy tư của bản thân, chính Heidegger đã gợi hứng cho ông gặp lại chính mình. Bùi Giáng gặp được nét đồng điệu ở cách đặt vấn đề “thiết lập Vĩnh Thể trên dòng Tồn lưu” tuy khó hiểu nhưng không quá xa lạ với truyền thống suy niệm Đông phương. Và trước hết, là sẻ chia cảnh ngộ chua xót: các khuôn mặt lớn trong lịch sử văn chương và tư tưởng Đông Tây ít nhiều đều là nạn nhân của những ngộ nhân, ngộ giải làm rụng tía rơi hồng, “không thấy cây lá ở trên đầu, không còn thùy dương dặm trùng quan mây trắng.” (trang 55)
Có thể điểm qua vài điểm chính xuyên suốt trong tác phẩm:
1. Những ngộ nhận trong văn chương và triết học thường là hậu quả tai hại của một lề lối suy tư “bất cận nhân tình”, “sổ sàng vén tóc nắm tay” vì đã sử dụng “lý tính” một cách vội vàng, nông cạn.
2. Đó là những biểu hiện bên ngoài của một sự khủng hoảng sâu xa hơn nơi bản thân những nền triết học là đứa con tinh thần của một thời đại tha hóa. Tha hóa và những con đường khác nhau “đồng quy nhi thù đồ” cùng hướng về một mục đích “hòa giải”, “khắc phục tha hóa” là mạch ngầm mãnh liệt của lịch sử tư tưởng: hành đạo và đạt đạo trong Tam giáo Đông phương, học thuyết biện chứng trong triết học cổ điển Đức dẫn tới Hoelderlin, Hegel và Marx… Ở đây, ông giới thiệu con đường của Heidegger trong viễn tượng đối thoại với những con đường khác. Trên con đường này, ẩn hiện bóng dáng đặc biệt của Hoelderlin, người thi sĩ - triết gia sẽ được Heidegger ra công minh giải và Bùi Giáng diễn dịch lại trong nhiều tác phẩm về sau của ông. Hoelderlin với quan niệm độc đáo về bản chất và vị trí của ngôn ngữ thi ca sẽ âm thầm làm người giữ nhịp cho cuộc đối thoại mà Heidegger mong muốn mở ra.
3. Những nhận định sâu sắc rải rác trong sách của Bùi Giáng:
“Chúng ta quên mất một cách quá dễ dàng rằng: một nhà tư tưởng tác động một cách thiết cốt nhất chính là ở những điểm ông bị kích bác hơn là ông được tán đồng.” (trang 76)
“Ý hướng đức lý của những tác phẩm lớn là ý hướng tất nhiên, không bao giờ thiếu. Và chính nó là cội nguồn kỳ bí của tác phẩm lớn. Nhưng có điều: nghệ sĩ tầm thường thì đem đức lý làm hại tác phẩm, bởi vì ngay cái đức lý họ quan niệm đã hỏng tự ban đầu. Họ làm ta khó chịu. Đối với nghệ sĩ lớn, không vậy. Đây là điều rất dễ hiểu: kẻ trung nhân dĩ hạ vớ vào đâu làm hư tới đó. Kẻ trung nhân dĩ thượng, trái lại. Họ kết hợp hồn nhiên cái chân, cái thiện, cái mỹ vào nhau như là ăn và uống vậy.” (trang 347)
“Những tác phẩm u tối nhất của Faulker là những tác phẩm phong phú nhất. Nó mở cửa cho ta bước vào một vũ trụ huyền ảo thăm thẳm nhất, để khi bước về với phong cảnh hương màu của thế giới bốn bên, lòng chúng ta sẽ không phải ngẩn ngơ như gà trống…” (trang 308)
“Cái khát vọng miên man của Faulkner là tìm về với cái thời gian viên mãn”. “Từ đó, Faulkner muốn rằng tất cả những điên đảo, âm u, quỷ loạn trong tác phẩm của mình (“The sound and the fury” – Âm thanh và cuồng nộ) phải hé mở một ảnh tượng bát ngát của Thiên Đường. Cái métaphysique (siêu hình học) của ông còn hoài mong cái éthique (đạo đức, đạo đức học) trong viễn tượng một cái ontologie (bản thể học) gần gũi với hình nhi thượng Khổng, cái đạo của Lão Trang, cái nụ cười bất tuyệt của Phật pha cái hãi hùng tê buốt của Pascal.” (trang 419-420)
“Bạn đọc sẽ nhận thấy nhiều nhà phê bình đã ngộ nhận tư tưởng Camus một cách thật tai hại ngu si. Sở dĩ Camus thường nói đến cuộc đời phi lý, nói đến nghĩa sa mạc hư vô của tồn sinh, không phải để rồi ca ngợi tán dương hành động điên cuồng của những “héros absurdes” (các nhân vật “người hùng” phi lý), như Caligula, như Martha v.v…. Trước sau, Camus chỉ có một mối ưu tư đau đớn: đẩy tư tưởng hư vô đến cùng độ, đẩy hư vô chủ nghĩa đến cuối đường, để chúng ta nhìn rõ những hậu quả gớm guốc của nó. Có thể, thì sau đó ta mới đủ sáng suốt đưa “tinh thần phản kháng” của mình ra mà chọn lại lối đi về, vượt qua hư vô chủ nghĩa, chống lại những oái oăm của thế sự, tìm lại những thăng bằng giữa đảo điên, chinh phục lại cái tự do chân chính của con người vốn thường bị lạc lối giữa mê cung.” (trang 562)
“Camus đã sống với thời đại, hiểu trọn vẹn bi kịch của thời đại, thừa sáng suốt để nhận ra những điểm “sơ hở” cần thiết của Nietzsche, những tơi bời mãnh liệt của Dostoievsky, những lời rời rã của Kafka… và đủ can đảm để lùi về phía sau, cam lòng chịu để đời ngộ nhận thái độ của mình và chậm rãi bình tĩnh nói tiếng nói muôn đời của nhân loại khát vọng tự do và công chính.” (trang 585)
“Toàn thể văn nghiệp của Camus biểu trưng một sự tiến triển của con người thời đại đi giữa hư vô chủ nghĩa và gạch vụn tro tàn, mà giữ vững một niềm tin vũ bão ở khả năng xây dựng của con người trước sức tàn phá của hư vô.” (trang 723).
“Có lẽ chỉ cần nhìn cái lối thể hiện tác phẩm của Gabriel Marcel, là cũng đủ để ta thấy triết gia hiện sinh chống đối óc duy lý một cách mãnh liệt. Ông tuyệt đối chối bỏ cái hệ thống lấp lơ khô cỗi, của những kẻ tự dối mình trong những biện luận mình tự cho là phân minh.” (trang 787)
“Shakespeare đẩy ta vào giới hạn cuối cùng của đời sống để buộc ta nhìn nhận chân lý của hiện tồn, nhìn lại nhân gian trong viễn tượng nghiệt ngã.” (trang 853)
[…]
Martin Heidegger & Tư tưởng hiện đại xoay quanh một số chủ đề triết học nhưng được tác giả lý giải và so sánh nhiều nguồn tư liệu tổng hợp đến từ nhiều chân trời văn học hòa quyện với dòng cảm xúc triền miên và những suy niệm sâu lắng riêng tư. Chính sự hòa quyện ấy đã mang lại văn phong độc đáo, đồng thời toát lên tinh thần nhân văn và chất văn học kỳ ảo của ngọn bút Bùi Giáng.