Tập biên khảo này được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cho ra đời vào một thời điểm có ý nghĩa đặc biệt: năm 2011 vừa được tổ chức văn hóa quốc tế UNESCO tuyên xưng là Năm Quốc tế của Hóa học với chủ đề: Hóa học, cuộc sống và tương lai của chúng ta. Đồng thời UNESCO cũng vinh danh Marie Curie, nhà nữ bác học kỳ tài của thế kỷ XX: thật vậy, năm 2011 cũng là năm kỷ niệm 100 năm ngày bà đoạt giải Nobel Hóa học. Viết về Marie Curie là viết về một người phụ nữ phi thường, một nữ khoa học gia nổi tiếng đầu thế kỷ XX. Cuộc đời bà là một chuỗi những thử thách, những chịu đựng gian nan. Sinh ra và lớn lên trong điều kiện khó khăn, trải qua tuổi niên thiếu với biết bao gian khổ nhưng với ý chí kiên cường, lòng quả cảm và trí thông minh, bà đã thực hiện được hoài bão của mình. Trưởng thành trong một đất nước bị xâu xé và mất chủ quyền, cộng thêm hoàn cảnh khó khăn của giađình, bà đã không ngừng phấn đấu để đạt được ước nguyện. Biết chọn cho mình một lý tưởng, với tấm lòng sắt đá và kiên trì, bà đã sống trọn vẹn cuộc đời mình, trong chân thật và hãnh diện, can đảm vượt lên trên những thành kiến nhỏ hẹp của thời đại. Cũng chính bà là người đã vinh danh hình ảnh người phụ nữ trong khoa học, vươn lên dưới ánh sáng mặt trời, cất cao tiếng nói để đóng góp vào tài sản văn hóa và văn minh của nhân loại. Người nữ khoa học gia đó đã cống hiến cả cuộc đời cho khoa học, đã sống và chếtvới khoa học, vì khoa học. Công lao vĩ đại của bà đã được khoa học ghi nhận qua 2 giải Nobel năm 1903 (Vật lý) và năm 1911 (Hóa học), và nước Pháp đã đời đời tôn vinh bà qua việc chuyển hài cốt của bà và phu quân vào Điện Panthéon năm 1995. Tất cả những điều đó tô điểm thêm bức tranh tuyệt vời của một người nữ bác học đã suốt đời tận tụy, nêu cao đức tính cần cù và hy sinh, vun trồng cho đóa hoa mang tên Khoa Học mãi mãi sáng chói trong vườn hoa nhân loại.