Khi Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức lập quan hệ ngoại giao năm 1995, bạn đọc cả hai nước đã may mắn có trong tay tác phẩm Hồ Sơ Văn Hóa Mỹ nghìn trang, dễ đọc mà tác giả Hữu Ngọc đã nghiên cứu chuẩn bị từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Đây là lần đầu tiên một cuốn sách bằng tiếng Việt, trình bày một các khách quan, cân bằng về nước Mỹ mà không có những khẩu hiệu của thời chiến tranh.
Sách này bắt đầu bằng hai câu hỏi: “Có một nền văn hóa Mỹ hay không? Nếu có thì cái hay cái dở của nó như thế nào?” Tác giả đặt hai câu hỏi này cho hơn một chục bạn ở Mỹ (da trắng, da đen, da đỏ), Anh, Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Luxembourg; những bài trả lời được in nguyên, không bình luận, coi như bản dạo đầu với vấn đề.
Cuốn sách gồm những cảm tưởng, ghi chép, bài nghiên cứu, phóng sự, phỏng vấn, đối thoại, những bản dịch thơ và văn xuôi, những câu chuyện... về nước Mỹ qua lối viết mộc mạc không chỉ của Nhà văn hóa Hữu Ngọc mà còn của bạn bè Mỹ và đồng nghiệp Việt Nam. Bên cạnh những tìm hiểu về diễn trình lịch sử, về con người Mỹ, về những thành tựu trên mọi lĩnh vực mà gốc bản địa và nhập cư tạo nên nhằm mở ra và khơi gợi cho độc giả thấy một nền văn hóa Mỹ đa chiều; Nhà văn hóa Hữu Ngọc còn dành hẳn một phần đi sâu vào “duyên nợ Mỹ - Việt”. Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất, nhiều hứa hẹn nhất của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Quan hệ hai nước không dừng lại ở chỗ bình thường hóa mà đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc và sẽ còn tiến xa hơn nữa.