Bóng đêm - Tiểu thuyết về đề tài công an hình sự của Ma Văn Kháng được hoàn thành đầu năm 2011. Đồng thời với Bóng đêm, Ma Văn Kháng cũng đã viết xong tiểu thuyết Bến bờ, cả hai hợp thành bộ tiểu thuyết về đề tài hình sự.
Ông tâm sự với tôi rằng ông đã dồn sức và hứng khởi, tâm huyết với hai cuốn tiểu thuyết về đề tài này, ông dụng công với văn chương của chúng cùng là kỹ thuật viết trong đó - có lẽ đây là những thiên tiểu thuyết cuối của đời văn ông.
Ngay cách đặt tên tiểu thuyết cùng là chọn lời Chế Lan Viên làm đề từ ("Chúng ta ở trên đời không phải để ra lộc ra hoa mà còn để mang thương tích") cũng đã bộc lộ dụng ý chủ đề của tiểu thuyết. Rằng: Trong xã hội tốt đẹp mà chúng ta đang xây dựng và bảo vệ, vẫn còn đây đó không ít những mảng tối, những bóng đêm hắc ám - hình ảnh tượng trưng chỉ nơi ẩn nấp cuối cùng, sào huyệt của "bọn tội phạm rác rưởi", "bọn dã nhân", "thú đội lốt người" như tác giả đã mệnh danh. Chúng là những thế lực cặn bã, nguy hiểm đe dọa cuộc sống bình yên đời thường tươi sáng của dân chúng, gây bao thiệt hại tổn thất cho xã hội và con người, về tính mạng, của cải, về những giá trị đạo đức, nhân phẩm. Diệt trừ loại tội phạm nảy sinh từ bọn phi nhân này là sứ mệnh cao cả, trọng đại đặt lên vai các chiến sĩ ngành công an, đòi hỏi ở họ sự dũng cảm, sáng suốt, sẵn sàng hi sinh quên mình vì nghĩa lớn. Cuộc đấu trí, đấu lực, đọ tài giữa chiến sĩ ta và các thế lực đen tối, phi nhân, không phải lúc nào thuận lợi cũng thuộc về phía ta và thắng lợi giành được là chóng vánh, dễ dàng. Không, bởi sự liều lĩnh cùng đường, táo tợn bất cẩn, hằn thù gian trá, chống trả quyết liệt của bọn tội phạm nghiệt súc, nhiều khi cái giá phải trả là vô giá. Thương tích, hi sinh là không thể tránh được, nhưng trận chiến đấu với các thế lực hắc ám không vì thế mà dừng lại, nó vẫn luôn tiếp diễn, không ngưng nghỉ. Bóng đêm, cái Ác không thể để lọt lưới sự trừng trị của pháp luật, của cái Thiện, để xã hội được yên bình, con người được sống yên vui.