Ông Ba Chánh năm nay vừa quá 50 tuổi, tóc đã bạc hoa râm, nhưng răng còn chắc chắn, sức còn mạnh mẽ. Ông goá vợ đã hơn 6 năm rồi. Trong nhà chỉ có một đứa con gái, là cô Huyền, được 21 tuổi. Ông quen với thầy Thanh, nhà ở một xóm, mà làm việc dưới Sài Gòn, thường hay tới lui đàm luận với nhau chơi. Cách vài năm trước, vì thầy Thanh làm mai nói dẻo dai quá, nên ông mới gã cô Huyền cho thầy Võ Như Bình, người mồ côi, gốc ở đâu dưới Hậu Giang, thi đậu bằng thành chung rồi làm việc trong một hãng buôn dưới Sài Gòn. Ông nghĩ thầy Bình thân phận côi cút lại là người có học thức, nên gả con ông cũng không đòi hỏi vật chi hết, đám cưới làm sơ sài, mời năm ba người quen đến ăn uống một bữa mà thôi, mà cũng không cần rước Chánh lục bộ đến lập hôn thú.
Từ ngày cưới rồi thì thầy Bình về ở theo bên vợ. Thầy có sắm một cái xe máy, để mỗi buổi sớm mai thầy đạp đi xuống Sài Gòn làm việc, trưa thầy ăn cơm quán và ở nghỉ tạm tại nhà của người làm chung một hãng, đến chiều tối thầy mới về Chí Hòa. Thầy Bình ở với cô Huyền đã sanh được một chút con trai, đặt tên là Nghiệp, mới 10 tháng mà sổ sữa, ngộ nghĩnh, chẳm hẳm lắm...
Thông tin tác giả:
Hồ Biểu Chánh từng làm quan nhưng ông sống không cách xa quần chúng, ông là một người sống lâu năm ở đồng quê, từng trải qua nhiều nơi trên vùng đất phì nhiêu của miệt vườn Nam bộ. Ông am hiểu khá sâu sắc đời sống vật chất và tinh thần các tầng lớp nhân dân, ông khéo vận dụng ngòi bút tái hiện phần nào vào trong các tiểu thuyết của ông.
Cái đặc sắc trong các tiểu thuyết của ông là ở chỗ tác giả kể cho ta nghe một truyện nhiều lý thú bằng một thứ ngôn ngữ đại chúng, các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh giúp cho chúng ta thêm hiểu biết về sinh hoạt và ngôn ngữ của người Việt ở miền Nam tổ quốc trong quá khứ, mà hiện tại hầu như vẫn còn mật thiết liên quan.