78 Câu hỏi dành cho người lãnh đạo

78 Câu hỏi dành cho người lãnh đạo

50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) = 50 years of implementing President Ho Chi Minh's testament (1969-2019)

50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) = 50 years of implementing President Ho Chi Minh's testament (1969-2019)

50 - Hồi ký không định xuất bản

14 Ngày
Availability: Còn trong kho
SKU
35600206
tản văn tùy bút tiểu luận vh
thư viện khth
Đã ở lưng chừng một con dốc đời khuất khúc, thảm thương, đã nhiều lần trải qua những biến cố ít nhiều tác động xấu lên một kẻ nhạy cảm quá mức, tôi thường tự nhủ phải đóng cửa dựng thành lũy tự bảo vệ mình. Ngoảnh mặt với đời sống ngoại biên, thả trôi đi chút niềm đam mê còn sót, nhắm mắt bưng tai để không gì rộn ràng nữa—phải, không gì đáng phải rộn ràng. Thế rồi tôi vẫn không làm được: giữa nhiều tang thương thì vẫn lấp lánh ở đâu đó, vẫn hài hòa ở đâu đó một ánh nắng xiên, một âm thanh mỏng, gọi tên mình. Trong những khoảnh khắc cùng cực, giữa một cơn mộng dữ, tôi trông thấy ánh sáng ấy, nghe được âm thanh ấy, và chẳng phải một gọi mời xôn xao, chỉ sự mờ nhòa khó nhận biết đó thôi, đã giữ tôi lại với đời sống. Giữ chặt. Thành một thế chân trong chân ngoài bấp bênh, nhưng tôi đã quen dần và thăng bằng được.

Tiếng gọi mờ nhòa lặng lẽ như một cú đập cánh của loài chim nhỏ, xa kia, nơi mái nhà dốc, là một lời an ủi đằm thắm đến mức rơi nước mắt, bởi vì mặc kệ những dâu bể, mặc kệ bao nhiêu bão giông chìm nổi, tôi vẫn có bạn cận kề. Bạn tạo nên niềm vui nhỏ nhẻ từ tốn đủ để tôi không thể đóng cửa quay mặt; bạn tỏa thứ ánh sáng của tình thương mến vừa đủ cho tôi yên dạ, bớt xót xa, giảm thiểu sự chán chường cố hữu.

Ở đáy một con vực mà vẫn còn được ánh sáng và âm thanh—những ánh những âm da diết và đầm ấm—soi rọi và gọi tên, tôi tự thấy mình may mắn.

May mắn trong kiếp sống bấp bênh, dữ dội, tổn thương.

Nếu đời tôi buộc mình phải đi vào một ngả rẽ mới (ai biết được!), tôi vẫn có tình yêu của một người để đem theo. Nếu người ấy không đi cùng tôi, thì nàng vẫn gửi tình yêu trong mớ hành trang cho tôi được. Vậy thì cuộc lên đường nào cũng đáng giá, tôi không lo sợ. Hơn nửa đời người, tôi vẫn tin vào tình yêu. Hơn hết mọi điều.

Ngày còn trẻ, tôi khăng khăng chỉ có một con đường duy nhất đúng (hoặc hiệu quả nhất) để đạt một mục đích; nói cách khác, tôi cho rằng chỉ có một lối sống. Suy nghĩ duy ý chí như vậy thực ra không hẳn là sai lầm: bằng chứng là áp dụng nó, tôi đã vượt qua được nhiều thử thách khắc nghiệt của cuộc đời và hướng dẫn thành công về sự nghiệp cho một số học trò. Giờ đây, ở tuổi năm mươi, cái tuổi tri thiên mệnh, tôi đã thay đổi nếp nghĩ cố hữu.

Đó là: không nhất thiết chỉ có một cách sống, một cách thực thi công việc, một đường hướng, một nhân sinh quan đem lại kết quả. Có nhiều, nhiều hơn một sự đúng.

Những bi kịch và va vấp tuổi trẻ thế hệ tôi đã được hàn gắn, cứu chữa nhờ một biện pháp nào đó (đấy là đường trước kia tôi cho là duy-nhất-đúng) thì ngày hôm nay, tuổi trẻ hôm nay có nhất thiết phải làm như vậy không, khi họ không có những va vấp y hệt của chúng tôi, khi họ thậm chí còn không hình dung ra được bi kịch là thế nào, kể cả trong mơ? Rõ ràng không thể áp dụng một nguyên tắc bất di bất dịch cho mọi trường hợp. Thời thế đã khác, những cá nhân lại khác nhau.

Cuộc đời tôi được xây đắp dựa trên kỷ luật. Nói như thế, hẳn nhiều bạn ngạc nhiên, vì tôi “có vẻ” rất tận hưởng đời sống, nhàn nhã, đeo đuổi những thú chơi công phu, có khi còn bị cho là lười biếng, xa hoa, buông thả. Không đâu, bản thân tôi đã trải qua những biến cố gì, đã mất tuổi thơ như thế nào và đã tiêu phí tuổi thanh xuân ra sao, tôi đều bộc bạch rất chân thành. Tôi không có niềm sung sướng nào được cho tặng miễn phí và hoàn toàn không được phúc lạc trên trời rơi xuống cả về vật chất lẫn tư chất. Không phải người thông minh vốn sẵn tính trời. Không được ủng hộ bất cứ phương diện nào trên đoạn đường sự nghiệp. Thế là toàn bộ tuổi thanh xuân lẽ ra để tận hưởng (hoặc liều lĩnh thử sai), tôi đặt ra và khép mình vào một thứ kỷ luật khắc nghiệt. Như của quân đội. Thậm chí còn hơn thế, như của một giáo phái khắc kỷ khổ tu và ép xác.

Tôi không ngừng đọc, học và luyện tập là để mài giũa kỹ năng nghề nghiệp (để làm công việc một nghệ sĩ) và kỹ năng sống (khả năng vượt qua những trở ngại, nâng ngưỡng chịu đựng, trở nên khôn ngoan nhanh nhạy hơn, thức thời hơn, tự tạo ra niềm vui vì như tôi đã nói trên, không ai ban cho tôi niềm vui miễn phí cả). Già nửa đoạn đời, tôi biết đấy là cách thế duy nhất tôi có thể làm. Song chúng ta, ai cũng vậy thôi, chẳng nhất thiết phải áp đặt cái đúng của mình vào quảng đại quần chúng. Đây là tinh thần mà ta có thể gọi tên: tinh thần không phán xét.

Những khó khăn lao khổ mà cuộc đời ném vào tôi hầu như luôn có mục đích là đẩy bật tôi khỏi trạng thái cân bằng. Mỗi một lần bị chông chênh, bản năng sống của tôi đòi phải được cân bằng trở lại; và chính nó, chính quá trình vận động để trở về thăng bằng, đã tạo ra một thứ năng lượng tôi dùng cho việc sáng tạo. Công cuộc sáng tạo chẳng qua là xuất phát từ bản năng sinh tồn, từ khao khát muốn sống, từ nguyện vọng được bình yên.

Thiên tự sự này lẽ ra không được công bố. Nó khá riêng tư, và trong những chuyện kể thể nào cũng dính dáng đến những cái tên, những nhân vật còn sống. Sự nhắc đến có thể gây phiền não cho ai đó, gây những ngộ nhận cho ai đó khác, chưa kể việc kể-mà-không-hết vì khả năng giới hạn của tôi đem đến nhiều hệ lụy không lường trước được. Lẽ ra tôi cất bản thảo này để con trai tôi một ngày nào đó sẽ đọc. Nhưng rồi tôi quyết định in ấn nó. Rồi bạn sẽ thấy lý do tại sao khi đã đọc xong: đơn giản là khi “tái sinh” cuộc đời mới dẫu ở tuổi nào, tôi cũng muốn có vật chứng cho phần đời đó. Thời điểm 2017 trở đi đánh dấu một cách sống khác, thực tế hơn, nhiều kế hoạch khả thi hơn và lạc quan hơn. Cuốn sách bạn đang cầm trên tay được in ra đánh dấu nó, cũng tình cờ đánh dấu tuổi năm mươi. Chỉ vậy thôi.
Giới thiệu sách
Review https://www.goodreads.com/book/show/35600206
Số trang 242
Rating 3.44
Tác giả Quốc Bảo