- Tại sao người ta lại định dạng quốc gia Việt Nam bằng một cái tên lai ghép giữa Ấn và Hoa – INDOCHINOISE? Văn hóa Việt Nam đã vay mượn gì Trung Hoa, và định hình văn hóa cho dân tộc như thế nào? Người Việt đã tạo nên một xã hội riêng, một lối sinh hoạt thế nào mà trải qua bao thế kỷ dân tộc Việt Nam không bị tan chìm và đồng hóa trong khối Hán tộc?
- Tại sao luân lý Khổng Mạnh không đem áp dụng được toàn vẹn trong xã hội Việt Nam? Người Việt đã kiến tạo nên một văn minh khác hẳn với Trung Hoa ra sao? Tại sao cùng một mô hình chế độ, dưới cùng luân lý Khổng Mạnh, mà vai trò của người phụ nữ Việt Nam lại cao hơn hẳn vai trò của người phụ nữ Trung Hoa?
- Mối liên hệ giữa chế độ xã hội với phương thức sản xuất đã được nhìn nhận như thế nào qua sự tiến hóa của dân tộc Việt?
- Tại sao cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng lại thất bại? Tại sao cuộc cải cách của Hồ Quý Ly lại không thành công? Tại sao triều Quang Trung lại nhanh chóng sụp đổ?
- Tại sao Trung Quốc có giặc Khăn Vàng, có Minh Giáo của Trương Vô Kỵ :), có Bạch Liên giáo, có Thái Bình Thiên Quốc... Nhưng xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam không có bất kỳ một cuộc khởi nghĩa quy mô nào mượn danh nghĩa Tôn Giáo?
- Tại sao người Việt Nam thông minh nhưng bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu năm tháng qua đi vẫn không sản sinh ra được một luận thuyết nào? Tại sao người Việt Nam lại không có được bất kỳ công trình kiến trúc hoành tráng để đời?
Xã Hội Việt Nam của Lương Đức Thiệp đã bao quát toàn bộ các lĩnh vực: Văn hóa - Xã hội - Lịch sử - Tôn giáo - Kinh tế - Chính trị từ sơ sử đến cận đại, có thể nói đây là một tác phẩm đỉnh cao về khảo cứu xã hội Việt Nam theo lối xã hội học. Tường minh và chi tiết, chặt chẽ và trung thực với cái nhìn thống quát cả cuộc tiến hóa của dân tộc suốt qua lịch sử để dò xét cái quá trình phát triển biện chứng.