Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc : nhân vật & sự kiện lịch sử

Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc : nhân vật & sự kiện lịch sử

Xã Hội Việt Nam Qua Bút Ký Của Người Nước Ngoài

Xã Hội Việt Nam Qua Bút Ký Của Người Nước Ngoài

Xã Hội Việt Nam Thời Pháp Thuộc

14 Ngày
Availability: Còn trong kho
SKU
30195999
văn hóa địa sử nhân học du lịch
thư viện khth
Lê Nguyễn là một bút danh quen biết trên nhiều ấn phẩm định kỳ. Ông là cây bút chuyên viết lịch sử, một lĩnh vực thường được nhiều bạn đọc quan tâm, và cũng vì thế nên được nhiều tòa báo quan tâm. Bài ông viết thường ngắn gọn, đề tài thường quy về một nhân vật, một sự kiện hay một hiện tượng lịch sử cụ thể. Bài viết của ông dễ hiểu nhờ cách viết mộc mạc, mạch lạc. Dễ hiểu nhưng vẫn sâu sắc và hấp dẫn nhờ nguồn tư liệu ông sử dụng phong phú và có chọn lựa.
Sở trường của ông, qua những bài tôi đọc được, là những vấn đề thuộc thời kỳ lịch sử cận đại, thời gian chủ yếu thuộc về nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX.
Cách chọn đề tài cho thấy tác giả là cây bút có năng lực khai thác các nguồn sử liệu phương Tây, nhất là của Pháp. Tuy nhiên, việc ông “cày” sâu vào giai đoạn lịch sử này, có thể còn vì ông thấy đây là một lĩnh vực sử học mà ông có thể mang lại cho nhiều bạn đọc ngày nay những tri thức bổ ích và sâu sắc.
Thời kỳ lịch sử cận đại Việt Nam, theo cách phân kỳ phổ biến hiện tại được giới hạn từ khi thực dân Pháp xâm lược biến nước ta thành thuộc địa cho đến khi Việt Nam giành độc lập (1858-1945). Đương nhiên trong giai đoạn này có những trang sử của cuộc đấu tranh cứu nước quật khởi mang tính truyền thống của nhân dân ta. Nhưng lịch sử cận đại trước hết lại là một tấm bi kịch của cả một dân tộc. Nếu ta nhớ lại rằng kể từ khi Ngô Vương Quyền đại phá giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938), nền tự chủ của dân tộc Đại Việt được xác lập. Trong nhiều thế kỷ tiếp theo, dù có nhiều lần nền tự chủ ấy bị phương Bắc xâm lược đe dọa, nhưng tất cả đều kết thúc bằng thắng lợi của những cuộc kháng chiến mà dân ta không hề để mất nước. Duy nhất ở đầu thế kỷ XV, nhà Hồ để mất nước, giặc Minh đô hộ đúng 20 năm thì bị những người khởi nghĩa từ Lam Sơn đánh đuổi giành lại nền tự chủ và triều Lê tồn tại và phát triển liên tục gần 4 thế kỷ…
Vậy mà thời kỳ lịch sử cận đại có đến 80 năm nước ta là thuộc địa của thực dân Pháp, có nghĩa là thời gian mất nước dài gấp 4 lần thời giặc Minh đô hộ. Hiểu được điều ấy, mới thấy cái bi kịch của lịch sử này to lớn đến nhường nào. Cái bi kịch mà các ông vua của triều Nguyễn từ Tự Đức, cho đến Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân… nhìn thấy vận nước đã suy mà không tìm ra con đường cứu nước của Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Thiên Hộ Dương… đến Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp… Cái bi kịch còn hiển hiện ngay khi chứng kiến những biến đổi to lớn của đất nước ta dưới những tác động của cuộc khai thác thuộc địa, đồng thời cũng là sự giao tiếp với nền văn minh phương Tây… Những bài viết của Lê Nguyễn thường đi sâu vào những bi kịch này như một sự chia sẻ với quá khứ mà không phải là để lên án một ai… Ông đề cập tới những vấn đề lịch sử giống câu chuyện ngụ ngôn hơn là một sự phán xét.
Đương nhiên, tương xứng với cái bi kịch cũng là cái thử thách to lớn ấy, còn có những trang sử vinh quang chép về công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc dẫn đến thắng lợi của cuộc Cách mạng mùa Thu năm 1945 mà tác giả không đề cập trong cuốn sách này. Viết về cái khoảng tối của lịch sử mà làm nên tương phản với tương lai khiến cho những gì tác giả viết trở nên sâu sắc.
Tôi không có ý định dành những lời to tát để nói về một tập hợp những bài viết nhỏ của Lê Nguyễn trong tập sách này. Nhưng đó là cảm nhận thực sự khi đọc những bài viết riêng lẻ của tác giả đăng rải trên những trang báo nay được nén lại trong một cuốn sách. Tôi đã từng làm công việc tập hợp lại những bài viết lẻ của cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố trong chuyên mục Sử ta so với sử Tàu đăng trên Tạp chí Tri Tân thành một cuốn sách, nên thấy được cái công phu và đóng góp của những cây bút như Lê Nguyễn đối với việc nghiên cứu và truyền bá lịch sử dân tộc. Nói như vậy để thể hiện một sự trọng thị và khích lệ công việc của Lê Nguyễn cũng như nhiều cây bút khác đã tận tâm truyền bá tri thức lịch sử dân tộc bằng những bài viết nhỏ lẻ và dễ đọc này.
Theo tôi, cái làm nên sự hấp dẫn của lịch sử chính là sự chân thực và lẽ công bằng. Do vậy mà tôi mạnh dạn viết trên trang đầu sách Lời giới thiệu để khẳng định rằng, đây là một cuốn sách hấp dẫn.
DƯƠNG TRUNG QUỐC
Giới thiệu sách
Review https://www.goodreads.com/book/show/30195999
Số trang 384
Rating 3.57
Tác giả Lê Nguyễn