Là tên cuốn sách của nhà văn Nguyễn Thành Nhân vừa ra mắt bạn đọc (ảnh). Không giống như các cuốn sách khác, ngoài những câu chuyện bàn luận chuyện đời chuyện thơ, Nguyễn Thành Nhân còn điểm xuyết vào cuốn sách những bài thơ mà anh yêu thích nhất. Đây là nét riêng và điểm mới lạ của một tạp văn mà trước đây chưa hề thấy ở tác giả khác. Mỗi câu chuyện bếp núc làm thơ đều được tác giả giới thiệu với một giọng kể chân thật và khiêm tốn. Từng sáng tác nhiều bài thơ vì quá yêu nàng thơ nhưng hình như chưa lúc nào anh tự hài lòng với chính đứa con tinh thần của mình. Cách nói của anh thật hài hước và chân tình: “Thơ chẳng còn bao dung dễ dãi với tôi. Làm thơ không tiến bộ nổi tôi đành chuyển sang viết văn xuôi. Nhưng những gì tôi viết ra chẳng mấy khi làm tôi hài lòng” (Vũ điệu buồn của chữ). Nhắc lại đứa con tinh thần đầu lòng anh cũng kể với một giọng văn chân thật mà không hề giấu giếm: “Chao ôi tôi chỉ có tâm hồn thi sĩ nhưng lại chẳng có thi tài (Qua những miền xuân cũ). Những tản văn rút từ gan ruột như những nét chấm phá về cuộc đời của một nhà văn đã đi qua nhiều biến động của xã hội và thời thế nay đã hiện lên trên từng trang viết rất đáng nâng niu dù có vui buồn sướng khổ. Đáng quý hơn là những cảm nhận chí tình của tác giả đối với các đồng nghiệp thông qua những tác phẩm mà anh đã đọc để đem lại độc giả những cảm xúc và nhận định mới mẻ về tác phẩm (đọc Tây Tiến viễn chinh, Nghĩ về nhà thơ Quang Dũng, đọc Như mơ thấy bướm của Ngô Khắc Tài, Mạc Can - Người nói tiếng bồ câu).
Các bài viết khác như Dịch thuật - con dao hai lưỡi, Nắng nhớ, Cám ơn em và những bài hát cũ lại “đụng chạm” đến vấn đề sáng tác, xuất bản, dịch thuật và cả nhân tình thế thái mang đầy suy tư trằn trọc của người viết. Sách do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành năm 2016 trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.