Gốm Việt Nam có truyền thống từ lâu đời, với sự sự đa dạng về chất liệu, tạo dáng và nghệ thuật trang trí độc đáo. Gốm là một trong những loại hình khá tiêu biểu của nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Trải qua gần một vạn năm phát triển, nghệ thuật gốm Việt Nam đã có được một kho tàng vô cùng phong phú. Trong quá trình phát triển, các chủng loại đồ gốm nối tiếp nhau xuất hiện, từ gốm đất nung đến gốm sành nâu, sành xốp, sành trắng và đồ sứ. Mỗi chủng loại này đã tạo nên những hình thái riêng qua sự khác biệt về chất liệu cũng như kỹ thuật sản xuất, trải qua các thời kỳ tiền sử, sơ sử, phong kiến và hiện đại. Gốm cổ Việt Nam mà ngày nay thường được nhắc tới là các loại gốm đất nung thời đồ đồng, gốm Hán - Việt, gốm men ngọc, gốm hoa nâu thời Lý - Trần, gốm hoa lam, gốm chạm đắp nổi, gốm tam sắc thời Lê - Mạc... Các loại gốm đó không những là những hiện vật ghi nhận dấu ấn thời đại, quá trình phát triển của dân tộc ta, mà chúng còn là những tài liệu sinh động, phản ánh đặc trưng nghệ thuật tạo hình của từng thời đại.
Trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu, nhà sưu tập trong nước và quốc tế rất quan tâm đến gốm Việt Nam. Nhiều cuộc khai quật của các nhà khảo cổ trên đất liền hoặc dưới biển đã cho chúng ta những tài liệu quan trọng bổ sung cho kho tàng kiến thức về gốm Việt Nam qua các thời đại. Nhiều học giả, nhà nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài đã xuất bản một số tập sách giới thiệu về gốm Việt Nam.