Với Lương Đức Thiệp, Văn học là sản phẩm và vũ khí của đấu tranh đẳng cấp. Văn chương dùng để gieo rắc những ý tưởng vào ý thức dân chúng. Xung đột đẳng cấp càng gắt gao, thì “vũ khí” phải càng sắc bén. Dù văn sĩ “lẻ loi” và “vô tư” đến đâu cũng phải chịu sức chi phối âm u của quyền lợi đẳng cấp.
Còn với Thi ca, cái áo thi sĩ phải mặc cho thi ca phải nhuộm bằng màu tươi thắm của cảm tình và giặt bằng linh hồn trong trắng của thi nhân. Và muốn ngăn Thi ca khỏi đi hoang sang bờ bến khác, thi sĩ phải lấy ý chí mà định một khu vực độc lập cho thi ca. Được thảnh thơi trong vườn Nghệ thuật, thi ca sẽ ra những đóa hoa vẹn Sắc Hương!...
“Việt Nam Thi ca luận và Văn chương xã hội” không chỉ là xem thời thế luận thi ca, xem thi ca mà luận thi sĩ, xem xã hội mà luận văn chương, xem văn chương mà luận văn sĩ, mà Lương Đức Thiệp còn đưa ra những phương pháp luận về thi ca cùng thi sĩ, những phân tích thấu đáo về nhà văn và tác phẩm, những nhận định rất đúng đắn về văn chương và xã hội. Bằng những phương pháp suy luận lý tính, bằng những cảm nhận rất trực quan, bằng những lý luận rất sắc bén, cộng thêm sự sùng bái Việt ngữ, tôn thờ những giá trị dân gian, Lương Đức Thiệp đã vạch ra được cho người đọc đang rối mù trong rừng thi ca chủ nghĩa một con đường sáng, đưa ra được những kết luận về văn chương và thời cuộc, cùng những bình luận rất khách quan về đặc tính cá nhân của từng nhà văn và đẳng cấp của họ, mong xây dựng một lâu đài văn học nguy nga, góp phần dựng lên nền quốc học nước nhà vững chãi.