Theo Đại Việt thông sử và Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí (Văn tịch chí) của Phan Huy Chú, thì Lý Tế Xuyên chính là tác giả cuốn Việt điện u linh tập'[1], xuất bản vào khoảng năm 1329[2].
Lý Tế Xuyên (? - ?), không rõ tiểu sử, chỉ biết ông làm quan (một trong những chức vụ của ông là trông coi việc tế tự) dưới triều Trần Hiến Tông (ở ngôi: 1329-1341, đặt niên hiệu là Khai Hựu)[3].
Việt điện u linh tập mà nhiều người cho rằng ông làm ra, gồm 27 thiên, chia làm 3 mục (Nhân quân, Nhân thần, Hạo khí) kể về công tích 27 vị thần [4] được thờ trong các đền miếu thời Lý -Trần. Sau, có nhiều người ở đời Hậu Lê ra công tục biên, thành ra sách có đến 4 quyển, gồm 41 truyện[5].
Trong quá trình biên soạn, tác giả có sử dụng và viết lại một số truyện vốn đã được ghi chép trong các sách Báo cực truyện (Tập truyện về lẽ cùng cực của báo ứng), Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, Giao Chỉ ký, Giao Châu ký...Ngoài ra ông còn sử dụng những tài liệu dân gian, những bản thần tích.
Về sau, nhiều nho sĩ ở các đời còn tiếp tục bổ sung; hoặc sửa chữa, thêm bớt cho Việt điện u linh tập. Lược kể một số tên tuổi quan trọng:
Nguyễn Văn Chất (1422-?), là người ở huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên. Ông đỗ tiến sĩ năm 1448 dưới triều vua Lê Nhân Tông, từng làm đến Tư nghiệp Quốc tử giám và đi sứ sang Trung Quốc. Chính ông là người đã soạn ra phần Tục biên (hay Tục bổ), gồm 3 truyện cho sách (xem phần mục lục).
Cao Huy Diệu (? - ?), là người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm (nay thuộc thành phố Hà Nội). Ông là nội tổ của danh sĩ Cao Bá Quát. Năm 1707, ông đỗ cử nhân, rồi đỗ tiến sĩ năm 1715 đời vua Lê Dụ Tông. Buổi đầu được bổ làm tri huyện Quốc Oai, sau lần lượt trải chức Giám tu, Thị lang bộ Lại, Đốc học Hà Tiên, Thượng thư bộ Hộ (có sách chép bộ Lại). Khi còn ở chức Giám tu, ông đã ra công viết bổ chú và phần tiếm bình cho sách. Tham gia sửa chữa với ông, còn có người cùng thời là Lê Hữu Hỷ (không rõ năm sinh năm mất), là người làng Liêu Xá, tỉnh Hưng yên. Ông thi đỗ tiến sĩ năm 1700, làm quan đến Giám sát ngự sử đốc đồng Sơn Tây.
Kim Muội Liễn (? - ?), không rõ lai lịch, chỉ biết năm 1771, ông đã phụng lục và kiểm xét cho Việt điện u linh tập. Bản này hiện còn 2 quyển chép tay mang ký hiệu A. 2879 và B. 1919 thuộc trường Bác Cổ Viễn Đông.
Gia Cát thị (? - ?), là một danh sĩ họ Gia Cát ở Hồng Đô, tỉnh Hải Dương, đã từng làm Chủ bạ bộ Lễ đời vua Lê Hiển Tông. Năm 1774, sau khi san định (thêm vào non 20 truyện, bớt đi hoặc viết hẳn lại một số truyện) Việt điện u linh tập, ông đặt lại nhan đề là Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập (Sửa sang, mô phỏng và bình giải mới tập truyện về cõi u linh của nước Việt). Và trong bài Tựa, ông đã cho rằng Lý Tế Xuyên chỉ là người "làm nối theo phần cuối" sách Việt điện u linh mà thôi (xem ghi chú 1).
Ngoài ra, còn có Lê Tự Chi, Tam Thanh quán đạo nhân (không rõ họ tên, lai lịch), Nguyễn Hầu, Nguyễn Đình Giản, v.v...cũng đã đóng góp ít nhiều cho cuốn sách.