Sáu truyện ngắn trong tập sách này đều xoay quanh số phận con người nông thôn, trong đó tác giả nhấn mạnh sự lạc lỏng bơ vơ khi họ cố gắng hoà nhập với cộng đồng trong buổi giao thời ở một thành phố lớn.
“… Tiếng thét của Hun Suk khiến tôi choàng tỉnh. Lúc này thì tôi đã hiểu sự tình. Chú Cuông chịu đòn không phải để giữ miếng ăn cho riêng mình, mà cho cả trăm cô gái làng tôi chú thương quý như con. Và tôi, tôi phải đánh chú cũng không vì miếng ăn của riêng tôi.
Tôi chớp mắt nhanh ngầm thay một lời xin lỗi và giơ gậy cao su. Nhát quật làm tung lên một đám bụi vải nơi áo quần chú Cuông, gây nên một tiếng bộp rất to. Tôi đã cố ý đánh sướt theo mông quần, vậy mà tôi vẫn cảm thấy mông mình đau oằn oại. Đánh! Đánh! Đánh! Sau mỗi câu thúc giục của Hun Suk, tôi lại vung tay. Chiếc gậy cao su mỗi lúc một nặng đến nổi tôi không thể giơ lên nổi.
“Đồ chó đẻ!”
Sau tiếng chửi, Hun Suk nhảy tới giật phắt chiếc gậy vung lên bổ xuống. Những tiếng quật chắc nịch dội vào da thịt chú Cuông, văng ra, xoáy vào tai tôi, buốt nhói. Tôi đứng giương mắt ếch nhìn ông chủ đánh đập người đồng hương mà không biết làm gì. Chú Cuông ban đầu còn nghiến răng chịu trận, sau đau quá không nén được đã bật ra tiếng chữi. Như một con trâu mộng bị ong châm húc trả thù bờ đất, Hun Suk vén tay áo, giật tung cà vạt nghiến răng đập túi bụi. Càng đánh càng say. Càng đánh càng khoái cảm. Chú Cuông đã không đứng vững được rồi. Chú đổ uỵch xuống sàn như một cái xác vô hồn. Hun Suk lúc này đã lên cơn điên dại. Hắn la lên choe choé và vứt gậy. Hắn vừa đấm vừa đạp…
… Tai tôi ù đi khi nghe những tiếng hựt đau đớn. Mồ hôi tôi túa đầm đià và răng tôi nghiến lại. Mặt tôi hoa lên khi nhìn thấy từ miệng chú Cuông ộc ra một thứ cơm phân máu trắng đỏ vàng lẫn lộn. Sự chịu đựng của tôi đã đến đỉnh điểm…” (Trích Vết thương thành thị).