“… Má tôi không biết gì hết, má túi bụi với sạp bán thuốc gò ngoài chợ. Chiều về, má ngạc nhiên thấy bà nội không chịu ngồi chung mâm, bà bưng chén cơm day lưng lại, trệu bạo nuốt từng miếng rời, chỉ chịu ăn những gì Vĩnh gắp cho. Người già giận hờn cũng ngoe nguẩy như trẻ con. Má hiểu là đã xảy ra chuyện gì nhưng má không hỏi, việc kiếm miếng ăn cho cả nhà khiến má rã rời. Cha buông đũa sớm, có vẻ cha không cầm được máu mình đang rơi, ông nhìn vào cái lưng lạnh ngắt của bà nội cố hiểu chuyện gì đó. Bà thấy hình ảnh nào trong chiêm bao? Hay chỉ là một hành động trong chuỗi hành động ngớ ngẩn của căn bệnh lẩn thẩn đang tàn phá bà nội mấy năm qua? Như bà nội đã từng xách nước tưới mớ cải cất trong tủ lạnh hay nhổ cỏ trồng vô hồ nước mưa. Như cái ngày bà nội ngơ ngác nhìn chúng tôi, hỏi, ủa, ai đây, ai mà kêu tui bằng bà nội vậy cà? Còn chú Hai này, muốn gì mà kêu tui bằng má, tui không có của cải gì đâu, đừng tưởng ngon mà nhào vô nhận bừa, nghen. T ôi và những miếng cơm khô rốc, bỗng nghĩ, bây giờ bà nội có trèo lên cây ca hát hay đốt áo nướng trứng thằn lằn tôi cũng không ôm bụng cưới ngắc ngéo nữa, những chuyện đó đã là bình thường. Chỉ bất thường là tiếng khóc ban trưa, khóc cho một câu chuyện về một trận chiến xa xôi trong một cuộc chiến đã xa xôi, đã khép lại rồi, đã lành những sẹo, ít ra thì đám con nít chung tôi tưởng vậy. Bằng chứng là những vụ bắn nhau bằng súng nước giữa tôi và thằng Vĩnh luôn làm cho nội cười lăn, cười chảy nước mắt. Cho đến một buổi trưa tháng Mười đờ đẫn, tôi ngờ ngợ, hay cái cười đó là dành cho chúng tôi, nhưng nước mắt khóc cho cuộc chiến xa xôi kia, nơi cha tôi và chú Út hơn, cha thằng Vĩnh buộc phải đứng ở hai bờ chiến tuyến?...”.