"Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời
(Kim Vân Kiều)
Hai câu lẩy Kiều trác tuyệt từ bên kia bờ đại dương năm 2015 là một gợi ý để người viết hoàn thành nốt những trang tản mạn cũng như đặt tiêu đề cho tập sách thứ 3 về 20 năm văn học miền Nam. Mừng vì tính thời sự của nó.
Chúc các ông sẽ viết được nhiều nữa. Nhưng làm sao viết cho thế hệ trẻ mai sau và lớp trẻ hôm nay đọc được. Chứ đừng cứ than vãn hay hoài niệm mãi. Mong thay! Mặc dù trong Theo dấu nhà thơ xuất bản năm 2015 đã ghi lại lời khuyên này (Bài trang 167), nhưng đến giờ, ở Vén Mây vẫn cứ đầy ắp những “hoài niệm”! Vì lẽ, những tác giả, nhân vật được nhắc đến ở các bài đều là người mà người viết đã gặp gỡ, cùng tâm tình trò chuyện (ngoại trừ một hai tác giả của những bài thơ quá nổi tiếng trước giai đoạn 1965 – 1975). Hoài niệm, cũng vì sau hơn 40 năm, dòng văn học 1954 – 1975 dù được đề cập đến với nhiều đối tượng, nhưng gần như lứa cầm bút trong nửa sau của dòng chảy vẫn chưa được nhìn nhận đúng so với các “cây đa – cây đề” từng tỏa bóng. Hết sức oan uổng cho một thế hệ trưởng thành trong những năm tháng khắc nghiệt. Có người không ngần ngại gọi đó là “Thế hệ bất hạnh”! “Thế hệ bị ruồng bỏ”!
Không phải là một nhà nghiên cứu nên người viết cứ phô bày những cảm tưởng qua những gì đã nghe, thấy. Hết sức chủ quan nên không thể tránh được đôi điều còn sai sót hoặc chưa đúng trong ghi nhận. Người viết xin tạ lỗi với những thiếu sót, với những ngòi bút tài năng không có dịp nhắc đến…
Sau 15 bài tản mạn, phần “ngoại tập” với hai bài viết về Hàn Mặc Tử, Bích Khê – hai nhà thơ tài năng thuộc thế hệ 1935 – 1945, như một minh chứng rằng sự vùi dập của lớp bụi thời gian sẽ không mãi là vĩnh viễn…"