Công trình Văn quan làng Tuyên Quang của các tác giả Tống Đại Hồng, Lương Long Vân, Ma Văn Đức là công trình sưu tầm, biên dịch, giới thiệu những bài hát quan làng – loại hình văn nghệ được thể hiện trong nghi lễ đám cưới truyền thống của người Tày trên địa bàn các huyện Nà Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên của tỉnh Tuyên Quang.
Nội dung chính của công trình được chia làm 3 phần, gồm:
Văn quan làng Tuyên Quang – phiên âm tiếng Tày.
Văn quan làng Tuyên Quang – dịch ra tiếng Việt.
Văn quan làng Tuyên Quang – bản chữ Nôm – Tày.
Nội dung cụ thể mỗi phần đi vào giới thiệu toàn bộ thủ tục nghi lễ trong đám cưới của người Tày, từ việc mời nhà trai vào nhà, mời trầu, mời nước, mời rượu, xin dâu, nhận dâu, căn dặn dâu rể... đều được thể hiện qua các bài thơ thất ngôn với một giai điệu mượt mà, ấm áp.
Trong văn quan làng có văn quan làng nhà trai, văn quan làng nhà gái. Hát quan làng thể hiện tài ứng xử, ứng biến của ông quan làng giữa hai họ nhà trai và nhà gái. Người được mời làm quan làng bao giờ cũng rất thông minh, hiểu biết về thơ ca và văn hóa dân tộc Tày để làm mở mày mở mặt cho gia đình hai họ. Người làm quan làng thay mặt cho nhà trai, nhà gái thực hiện các nghi lễ trong đám cưới, các nghi lễ đó đều được ông quan làng thể hiện bằng thơ.