Khu vực Đông Nam Á gồm hai khu vực chính là phần lục địa được gọi là Indo-China (Đông Dương) và phần hải đảo gọi là thế giới Mã Lai. Từ xa xưa, khu vực này được người Trung Quốc gọi là Nam Dương, người Nhật Bản gọi là Nan Yo, người Ấn Độ gọi là Suvarnabhum, là khu vực giữ vai trò biệt trên con đường buôn bán Đông – Tây, nơi gặp gỡ, giao thoa của các nền văn hoá lớn trên thế giới. Tuy vậy, từ trước thế kỷ XIX Đông Nam Á vẫn chưa được nhìn nhận rõ rệt và đầy đủ như một khu vực địa lí - lịch sử - văn hóa - chính trị riêng biệt. Bởi nó đã bị lu mờ giữa hai nền văn minh phát triển rất rực rở là văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ.
Nhưng kể Từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, khái niệm Đông Nam Á xuất hiện, chỉ một khu vực riêng biệt nằm ở phía đông nam của châu Á và có tầm quan trọng đặc biệt về địa chính trị trên bản đồ thế giới. Một đặc điểm tiêu biểu và đặc sắc của văn hóa khu vực Đông Nam Á là tính thống nhất trong đa dạng.Mặc dù trong văn hóa của các nước Đông Nam Á ngày nay có những điểm tiếp thu từ văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ song các nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định rằng trước khi tiếp xúc với các văn hóa khác, cư dân Đông Nam Á đã có một nền văn hóa bản địa khá phát triển với những đặc trưng của khu vực.