Nguyễn Thanh Mừng là nhà thơ định danh phổ quát trong công chúng, nhưng gọi anh là nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà folklore… đều được. Ở lĩnh vực nào, anh cũng có những thành tựu nhất định.
Nếu như trong sáng tác, anh có cảm quan lịch sử mà một số nhà nghiên cứu văn học đã từng nhận định, xoáy sâu về yếu tố thời gian lịch sử, nhất là trong tập thơ Ngàn xưa (1998) của anh thì trong nghiên cứu, anh luôn dựa vào phong vận của một mảnh đấtngàn năm hưng vong. Xứ sở này in đậm dấu ấn của nhiều cuộc hợp lưu nên cái mệnh đề định danh “Đất võ trời văn” và phẩm cách trong văn có võ, trong võ có văn của Bình Định được anh lý giải khá thấu đáo và xuyên suốt trong công trình nghiên cứu Văn hóa dân gian miền đất võ (NXB Sân khấu, năm 2017). Công trình này thuộc “Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam” do Chính phủ phê duyệt, giao Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thực hiện, vừa đến tay bạn đọc.
Trong tập sách mới này, Nguyễn Thanh Mừng tập hợp 9 bài: Đất võ trời văn, Nghi lễ Bàu Đá: Vọng lên đỉnh núi cụng vài ly, Chỉ thêu nên gấm, Tư duy Bình Định, Số phận một anh hùng dân gian, Sứ mệnh văn hóa của sông nước vùng kinh thành xưa ở Bình Định, Dân gian với “Văn hóa Đi”, Khi những nhịp cầu văn hóa đổ gãy, Phù sa nhân nghĩa với 124 trang sách mà anh đã dày công nghiên cứu từ thế kỷ trước đến nay.