Cuốn sách Vấn đề dân sinh và xã hội hài hoà là kết quả của Hội thảo khoa học Việt – Trung lần thứ 6 với chủ đề “Vấn đề dân sinh và xã hội hài hòa” diễn ra vào tháng 11 năm 2008 tại thành phố Vinh, Nghệ An, do Viện Triết học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Triết học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc và Trường Đại học Vinh đồng tổ chức. Tập hợp các bài nghiên cứu liên quan đến vấn đề dân sinh, xã hội hài hoà và mối quan hệ biện chứng giữa dân sinh và xã hội hài hoà của các nhà khoa học Việt Nam và Trung Quốc, cuốn sách được chia thành 3 phần.
Phần thứ nhất là Lý luận chung về mối quan hệ giữa dân sinh và xã hội hài hoà. Theo các tác giả, dân sinh chính là những vấn đề thiết yếu và trực tiếp nhất của cuộc sống con người, gắn liền với lịch sử phát triển xã hội. Dân sinh không chỉ là các vấn đề về ăn, mặc, ở, đi lại của con người, mà còn liên quan đến nhiều phương diện khác nữa, như giáo dục, việc làm, phân phối thu nhập, vệ sinh y tế, an toàn thực phẩm, trị an xã hội, đoàn kết và ổn định xã hội, đất đai, môi trường, xây dựng và phát triển đất nước,… Nói cách khác, dân sinh đề cập đến mọi mặt của cuộc sống con người, từ nhu cầu vật chất tối thiểu đến nhu cầu tinh thần, văn hóa. Trên cơ sở đó, các tác giả chỉ ra rằng, dân sinh có mối quan hệ mật thiết với việc xây dựng xã hội hài hòa; cụ thể, dân sinh đóng vai trò là nền tảng, là hạt nhân của quá trình xây dựng xã hội hài hòa. Các tác giả cũng đưa ra một số giải pháp cho vấn đề dân sinh nhằm hướng tới xã hội hài hòa, như phát triển giáo dục, thực hiện công bằng giáo dục, mở rộng và phát triển việc làm trong xã hội, thực hiện phân phối thu nhập công bằng và hợp lý, xây dựng mạng lưới bảo hiểm xã hội, cứu trợ xã hội, duy trì sự đoàn kết và ổn định xã hội, tăng trưởng kinh tế để không ngừng cải thiện đời sống của người dân,... Bên cạnh đó, các tác giả còn phân tích khá sâu sắc mối quan hệ biện chứng giữa dân sinh và xã hội hài hòa. Một xã hội chỉ được coi là phát triển hài hòa, công bằng và ổn định khi các điều kiện sống cơ bản của mọi tầng lớp nhân dân đều được đảm bảo một cách tốt nhất và không ngừng được cải thiện. Và ngược lại, chỉ khi nào chính phủ đảm bảo cho nhân dân một cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc và không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống ấy, thì xã hội sẽ đạt tới sự hài hòa.