Vương Hồng Sển là nhà văn hoá, học giả, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng. Những tài sản mà ông để lại cho đời là mang giá trị vô giá, gồm những cổ vật mà ông dành trọn đời sưu tầm, những tác phẩm nghiên cứu văn hoá cần gìn giữ.
Phùng Quán là nhà văn, nhà thơ Việt Nam, nổi tiếng với nhiều tác phẩm như Vượt Côn Đảo, Ba phút sự thật, Tuổi thơ dữ dội (Đã được dựng thành phim).
Phạm Hy Tùng là thế hệ hậu sinh, cũng có đam mê cổ vật, là tác giả của cuốn sách “Cổ vật gốm sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa”, có duyên may được gặp gỡ và học hỏi với hai bậc thầy trên. Ông đã ghi chép lại từ những ký ức để chia sẻ với bạn đọc, giúp bạn đọc phần nào hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp của hai tác gia, nhà văn hoá lớn của Việt Nam. Với Phạm Hy Tùng, Vương Hồng Sển là một người thầy đúng theo nghĩa đen truyền cảm hứng, kiến thức, chia sẻ những món đồ, trang sách và chính cuộc sống của mình cho kẻ hậu sinh đam mê cổ vật. Với Phùng Quán, Phạm Hy Tùng là học trò của vợ nhà thơ – cô giáo Vũ Bội Trâm – mang nặng ân tình trong những năm tháng học trò nghèo khốn khó.
Về người thầy của mình, Phạm Hy Tùng chia sẻ những mẩu chuyện mà ông được nghe kể, được chính cụ Vương kể trong những ngày cụ trên giường bệnh, cái đam mê của một người xem cổ vật như “thê thiếp” mà không bạc tiền nào mua được, cả câu chuyện về những ngày cuối đời cụ vẫn miệt mài viết sách.
Về thi sĩ Phùng Quán, lại là câu chuyện bắt đầu từ ấu thơ học với cô Trâm, có cơ hội tiếp xúc rồi trở nên thân thiết mỗi khi đến “Chòi Ngắm Sóng” nổi tiếng bên bờ Hồ Tây để từ đây anh học được rất nhiều bài học sâu sắc từ cuộc đời con người nhiều tài hoa và lắm truân chuyên này.
Sách còn dành khoảng 50 trang để giới thiệu cùng bạn đọc hình ảnh và thủ bút của hai con người mà chỉ nghe tên đã khiến bạn đọc thấy hấp dẫn và bổ ích.