Ngô gia văn phái là một dòng văn lớn của Bắc Hà và của cả nước Việt Nam ở thế kỷ XVIII - XIX. Thành tựu trước tác của họ nối dài trong gần 200 năm, từ Ngô Thì ức (đầu thế kỷ XVIII) đến Ngô Giáp Đậu (đầu thế kỷ XX). Số tác gia có tác phẩm để lại chừng 15 người; số lượng trang tác phẩm khoảng 5000 trang chữ Hán, nếu dịch toàn bộ ra tiếng Việt có thể lên tới gần 10.000 trang. Điều đặc biệt là tác phẩm của Ngô gia rất phong phú về môn loại, thể loại, đề tài và đặc sắc nghệ thuật. Không kể thơ từ, phú, văn tế là những thể loại quen thuộc của văn học chữ Hán, Ngô gia còn có những tác phẩm rất có giá trị phản ánh tình hình chính trị xã hội, ngoại giao, những sự kiện lớn của đất nước trong một giai đoạn lịch sử vừa đau thương vừa bi tráng, như Hoàng Lê nhất thống chí (tiểu thuyết chương hồi), Bang giao hảo thoại (văn xuôi nghị luận), Việt sử tiêu án (phê bình sử), Bảo chướng hoằng mô (văn xuôi nghị luận chính trị), Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh (văn xuôi nghị luận triết học), Khuê ai lục (thơ văn về tình yêu, hạnh phúc lứa đôi), thơ, ký… Tác giả của chúng vừa là những nhà ngoại giao, các chính khách vừa là học giả, nhà khoa bảng, nhà văn nhà thơ tiêu biểu trong một thời, như Ngô Thì Sỹ (nhà sử học, nhà nghị luận, nhà thơ tài hoa, quan Đốc trấn xuất sắc), Ngô Thì Nhậm (nhà ngoại giao, nhà chính trị), Ngô Thì Chí (nhà tiểu thuyết, kẻ sĩ)…
Ngô gia là một dòng họ văn hoá lớn ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Giới thiệu Ngô gia văn phái là giới thiệu một thành tựu xuất sắc nhất trong mấy thế kỷ của văn học Thăng Long, giúp cho giới nghiên cứu có thể tìm hiểu nhiều vấn đề về văn học, sử học, chính trị, xã hội và cả lý luận văn học, văn hoá… Sự có mặt của Ngô gia văn phái sẽ làm phong phú thêm rất nhiều Tủ sách Thăng Long mà Hà Nội đang dự định đóng góp vào việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Đối tượng phục vụ là các nhà nghiên cứu văn học, sử học, triết học, chính trị xã hội và bạn đọc đông đảo. Tuy nhiên Ngô gia văn phái rất đồ sộ, hiện chưa đủ điều kiện để dịch xuất bản toàn tập, Tuyển tập này cũng chỉ có thể chọn lọc những tác phẩm vào loại đặc sắc, tiêu biểu của văn phái, hy vọng có thể khơi gợi mối quan tâm của nhiều người trong học giới và những người yêu mến văn học dân tộc.