Qua “Lời người biện soạn” trong tác phẩm Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử chúng ta sắp đọc sau đây, ông Lê Thanh Hiền còn khẳng định Nữ sĩ Đạm Phương là:
“1. (…) Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thông thạo nhiều sinh ngữ như: Hán văn, Pháp văn, quốc văn... do đó bà cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có tầm nhìn ra thế giới tiếp thu tinh hoa nhân loại như hệ lý luận tiến bộ về quy trình dưỡng dục trẻ thơ, hệ tư tưởng tiến bộ về nhân quyền: dân chủ, tự do, bình đẳng... và chuyển tải qua các phương tiện báo chí, văn sách, dịch thuật phổ biến cho đồng bào lạc hậu của nước mình. (…) là nữ tác gia dẫn đầu về số lượng tác phẩm gồm nhiều thể loại xuất bản trước năm 1945.
2. (…) nữ trí thức Việt Nam đầu tiên đặc biệt quan tâm đến sự dưỡng dục thế hệ trẻ thơ Việt Nam từ khi lọt lòng mẹ đến tuổi cắp sách tới trường. (…) Bà cũng phát hiện ra rằng người mẹ giữ vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn tiền phát triển ở trẻ thơ mà không người nào khác thay thế được vai trò người mẹ. Bà tâm huyết với những phát hiện này và nỗ lực nhiều năm khảo cứu biên soạn công trình Giáo dục nhi đồng ra đời năm 1942 có giá trị được coi như sách giáo khoa đầu tiên tặng các bà mẹ Việt Nam làm công cụ giáo dưỡng, giáo dục con em mình trong giai đoạn tiền phát triển. Đây là công trình có ý nghĩa nhất của bà Đạm Phương Nữ Sử cống hiến vào sự nghiệp giáo dục nhi đồng Việt Nam từ hồi đầu thế kỷ XX…
3. (…) người tổ chức Hội nữ công đầu tiên ở nước ta hoạt động mở mang giới chí. Tuy Hội nữ công chỉ ra đời ở một số thành phố hồi đầu thế kỷ và tồn tại trong một thời gian nhưng đã có ảnh hưởng chung và cất tiếng nói riêng, tiếng nói đại diện của phụ nữ Việt Nam đòi nhân quyền dưới chế độ thực dân, phong kiến cai trị”.