Trung tướng Vương Thừa Vũ tên thật là Nguyễn Văn Đồi, sinh năm 1910 tại Vĩnh Ninh (huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay huyện Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội). Thuở thiếu thời ông sống cùng gia đình ở Côn Minh - Trung Quốc và được cha bồi đắp tinh thần yêu nước qua các tấm gương kiên trung bất khuất đã đi vào lịch sử dân tộc cùng thơ ca yêu nước của những nhà chí khí cách mạng. Cha ông cũng luôn khuyến khích, tạo điều kiện và tìm thầy dạy võ cho ông nên người. Được sự rèn cặp nghiêm khắc của cha và sự nỗ lực không mệt mỏi, chàng trai Hà Nội sớm trở thành một thanh niên võ nghệ cao cường luôn nung nấu ý chí căm thù giặc và mong muốn quay về quê hương tham gia cách mạng.
Năm 1941, ngay khi mới từ Côn Minh về tham gia phong trào yêu nước, ông đã bị thực dân Pháp bắt giam và chịu cảnh tra tấn dã man, tù đày hết sức hà khắc qua nhiều nhà lao. Nhưng càng trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ, chàng trai Hà Nội càng được trui rèn bản lĩnh và lòng yêu nước. Trong một thời khắc quan trọng ranh giới giữa sự sống và cái chết, ông đổi sang họ Vương - sau này theo gợi ý của Bí thư Hà Nội Nguyễn Khang, ông thêm tên đệm Thừa Vũ (võ) vào thành tên chính thức theo ông suốt cuộc đời binh nghiệp.
Với tài năng của mình, ông được cấp trên giao nhiều trọng trách trong quân đội. Năm 1946, khi quân Pháp gây hấn tại Hà Nội, ông được giữ chức Chỉ huy trưởng bộ đội Hà Nội; Khu trưởng Khu XI Hà Nội, sau đó đổi thành Chỉ huy quân sự Khu II bảo vệ Hà Nội, Liên khu Phó Liên khu I. Dự báo quân Pháp sẽ nổ súng, Bộ Tư lệnh Quân đội Quốc gia Việt Nam đã chỉ định ông làm Tư lệnh Mặt trận Hà Nội, còn gọi là Chiến khu XI. Ông chính là tác giả của cách đánh “trùng độc chiến” trên mặt trận Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa (từ 9-12-1946 tới 18-2-1947). Đây là cách đánh từ trong đánh ra, ngoài đánh vào và kìm giữ tiêu diệt địch buộc địch phải đối phó với ta cả trong lòng thành phố lẫn ở cả các cửa ô. Kế hoạch tác chiến và thế trận vô cùng độc đáo, sáng tạo của Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội - Vương Thừa Vũ, đã được Bộ Tổng Chỉ huy duyệt, khen ngợi. 60 ngày đêm chỉ huy Mặt trận Hà Nội, ông luôn luôn theo dõi sát sao hàng ngày, hàng giờ từng trận chiến đấu của quân dân ba liên khu để có những quyết định kịp thời, điều động các tiểu đoàn vệ quốc đoàn vừa chặn, vừa đánh, vừa tiêu hao địch bằng chiến thuật hết sức sáng tạo, thần diệu “hóa chỉnh vi linh” trên địa bàn các phố cổ, phố “Tây”, các cửa ô và làng xã ngoại thành... Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khi đã cầm chân được quân Pháp tại nội đô Hà Nội trong 2 tháng, sau đó Trung đoàn Thủ đô đã rút lui bảo toàn lực lượng.
Vương Thừa Vũ là vị tướng giỏi đã từng bôn ba chinh chiến trên nhiều mặt trận trong những chiến dịch lớn suốt hai cuộc kháng chiến cứu quốc của dân tộc. Tướng Vương Thừa Vũ từng được bổ nhiệm các chức vụ Đại đoàn trưởng Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam là Đại đoàn 308, Tư lệnh Quân khu Hữu ngạn, Giám đốc Học viên Quân sự, Tư lệnh Quân khu 4, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Qua những chặng đường chiến đấu, ông được chiến sĩ và nhân dân tôn vinh là vị tướng Trí, Dũng, Nhân, Tín, Trung. Với những công lao to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Trung tướng Vương Thừa Vũ được Đảng, Nhà nước tặng Huân Chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các loại. Tên ông được đặt tên một đường phố ở quận Thanh Xuân - Hà Nội và một đường phố ở thành phố Hạ Long – tỉnh Quảng Ninh. Trong buổi họp mặt 15 năm ngày mất của Trung tướng Vương Thừa Vũ (1980 - 1995), Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Và bao trùm lên hết, Vương Thừa Vũ là một người cộng sản có đạo đức cách mạng, một vị tướng Trí, Dũng, Nhân, Tín, Trung như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy... Con người Vương Thừa Vũ là con người trung thực, tính tình nghiêm nghị với tấm lòng nhân hậu, cương trực thẳng thắn, nhưng coi trọng đoàn kết thống nhất; chỉ huy kiên quyết đòi hỏi cấp dưới rất cao, nhưng rất mực dân chủ và thương yêu chiến sĩ, thương yêu đồng chí. Anh được cấp trên dưới, đồng cấp, cán bộ, chiến sĩ toàn quân yêu mến và tin tưởng. Bản thân anh rất tôn trọng tình nghĩa, rất quý đồng chí, đồng đội. Anh có lối sống cần kiệm, giảm dị, liêm khiết, mẫu mực, không chạy theo danh lợi, luôn luôn nghĩ đến làm việc có ích cho xã hội, cho quân đội. Với những cống hiến ấy, Vương Thừa Vũ, một người con của Hà Nội, xứng đáng với quê hương anh hùng, xứng đáng là người con ưu tú của Thăng Long – Hà Nội”.