Ðây là tập tự truyện đầu tiên của ông, được ấp ủ từ năm năm trước, với ý tưởng: "Tôi sẽ kể về những chuyện thật của đời mình, những thăng trầm, buồn vui, hỉ nộ ái ố... để mọi người thấy thật ra Trần Văn Khê cũng là một người hết sức bình thường".
Tập sách do Ðào Trung Uyên (công tác tại Tuổi Trẻ Online) chấp bút, với yêu cầu ghi lại đúng văn phong, lời ăn tiếng nói Nam bộ và cách suy nghĩ của GS.TS Trần Văn Khê.
Ðến với tập sách như đang cùng nói chuyện với một người cao tuổi, tha thẩn lần hồi lục lại ký ức xưa. Ở đó có kinh nghiệm chống chọi bệnh tật, rèn luyện cơ thể, có ý chí tiến thủ bằng cách luyện trí nhớ, có tình yêu đờn ca, có mối tình với quê hương đất nước khi bôn ba qua nhiều xứ người...
12 câu chuyện là những trải nghiệm thực tế, là vốn quý của một quãng đời đầy sôi động như bản thân GS Trần Văn Khê: thuở ấu thơ ở làng Vĩnh Kim (Tiền Giang), sớm mồ côi cha mẹ, từ chuyến đi rời xa đất nước năm 1949 đến hành trình qua nhiều quốc gia, hoạt động trong nhiều lĩnh vực văn hóa, âm nhạc, truyền bá tinh thần nghiên cứu, học tập và phổ biến tinh hoa âm nhạc VN với bạn bè thế giới. Ðiều tâm đắc nhất vẫn là cách đối nhân xử thế, nghệ thuật ứng xử ở đời mà ông rút ra được sau bao nhiêu sự kiện ông trải qua.
"Khi Israel và các nước Ả Rập gây nhau, những ai đến Israel thường không được các nước Ả Rập mời, thế mà nhờ âm nhạc tôi được mời đến cả Israel và các nước Ả Rập; tôi đến CHDCND Triều Tiên và đến cả Hàn Quốc...". Cái nhìn lại của một cụ già tuổi 90 như thế chắc chắn không phải là sự khoe khoang, mà đó là cách ứng xử quan trọng của một người làm văn hóa, là chỗ tinh diệu nhất của văn hóa - thường vượt lên trên những lằn ranh thị phi theo từng nhãn quan khác biệt của người đời.
(Theo Lam Điền)