Đại tá, nhà thơ Lê Anh Dũng, một trong những người đau đáu với việc xuất bản và ra đời của cuốn nhật ký đặc biệt này cho biết, những trang, ghi chép của nhà văn Phan Tứ được viết từ tháng 7-1961 khi rời Hà Nội vào chiến khu 5 và kết thúc cuối năm 1975, sau ngày chiến thắng. “Giữa bom đạn, thiếu thốn, giữa ranh giới của sự sống và cái chết, nhà văn Phan Tứ vẫn kiên định ghi chép hết sức đầy đủ, tỉ mỉ, chân thực và sinh động cuộc sống, chiến đấu từ những diễn biến sự việc, con người, cảnh vật cũng như cảm xúc suy nghĩ của mình ở chiến trường. Và đặc biệt khi viết về phụ nữ nhà văn luôn dành cho họ những trang viết ấm áp nhất”.
Viết trong điều kiện vô cùng gian khổ và thiếu thốn của những ngày dài đói cơm, nhạt muối, trong sự hành hạ của những cơn sốt rét rừng. Viết dưới làm mưa bom bão đạn và những cuộc càn quét của địch. Song với thủ pháp đặc trưng của nhật ký là giàu cảm xúc, ngắn gọn, đầy ắp thông tin, bộ sách sẽ là nguồn sử liệu giàu chất văn chương bạn đọc sẽ cùng tìm hiểu, chiêm nghiệm để thêm tự hào về những thế hệ cha anh đã một thời không tiếc máu xương viết lên những trang sử hào hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi, ông Nguyễn Văn Cừ khẳng định.
Hoàn thành nhân dịp đặc biệt 27-7, cuốn sách cũng là lời tri ân của những người làm công tác xuất bản nói riêng và thế hệ người Việt Nam dành cho nhà văn - chiến sĩ - Phan Tứ.