Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, nhiều học phái Phật giáo ra đời, mỗi học phái chủ trương một đường lối nhận thức khác nhau. Vào khoảng thế kỷ thứ 2, các quan niệm của Đại thừa dần định hình như một khuynh hướng cấp tiến, song những nhận thức sai lầm cũng không ít. Đứng trước tình cảnh hỗn loạn của tư tưởng Phật giáo lúc đó,Bồ tát Long Thọ (Nàgàrjuna), người khai sáng trường phái Trung quán (Mádhyamika), đã trước tác bộ Trung luận.
Trung luận, tên đầy đủ theo Phạn ngữ là Căn bản trung luận tụng (Mùlamadhyamakakáriká) - Những câu tụng theo tông chỉ trung quán căn bản. Cốt lõi tư tưởng của Trung luận được Long Thọ phát triển từ kinh Bát nhã (Prajná Páramitá Sútra), một bộ kinh tối cổ của Phật giáo Đại thừa. Long Thọ đã tiếp thu tư tưởng Tính không (Shunyata) của Bát Nhã để xây dựng tư tưởng Trung đạo, làm cơ sở để hệ thống hoá toàn bộ kinh điển Đại thừa.
Trung luận gồm có 27 phẩm hay chương, với 446 bài tụng, nguyên văn bằng tiếng Phạn, đến thế kỷ 5 đã được dịch sang Hán ngữ và được coi là một trong ba kinh điển nền tảng của Tam Luận tông ở Trung Quốc. Vì để thực hành quán tưởng nên mặc dù nhan đề của Long Thọ là Trung luận hay Trung đạo luận, nhưng các đại sư Trung Quốc sau này thêm vào chữ Quán thành Trung quán luận, vì mỗi phẩm theo bản dịch của Cưu Ma La Thập đều bắt đầu bằng chữ Quán hay Phá.
Từ khi ra đời đến nay, Trung luận đã liên tục được chú giải, bình luận, phiên dịch, nhưng bản dịch Hán ngữ của Cưu Ma La Thập vẫn được giới nghiên cứu coi là văn bản mẫu mực nhất và được dịch tiếp sang các thứ tiếng khác. Cùng với Trung luận, cuốn sách này còn đưa thêm một tác phẩm khác của Bồ tát Long Thọ là Hồi tranh luận (Vigrahavyávartaní), được xem như một bổ sung cho Trung luận.