Cuốn sách nghiên cứu, trình bày và phân tích các trò chơi, thú tiêu khiển truyền thống của người dân Huế. Sách gồm ba phần chính: Trò chơi và thú tiêu khiển mang tính cộng đồng ; trò chơi và thú tiêu khiển mang tính hội nhóm ; trò chơi và thú tiêu khiển mang tính cá nhân. Ngoài ra, còn có 6 phần phụ lục cung cấp thêm các thông tin như về các bài bản ca Huế; 48 đề thả thơ; 160 đề đố thơ; những bộ đầu hồ; hai bộ xăm hường và trò xăm hường; các trò chơi của trẻ em xứ Huế.
Sự tồn tại và phát triển của các trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế bắt nguồn từ sự du nhập các trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống của cư dân đồng bằng Bắc Bộ rồi cải biên cho phù hợp với điều kiện địa lý, môi trường và hoàn cảnh lịch sử ở vùng đất mới. Nhiều trò chơi dân gian của người dân Ðại Việt xưa, đã theo bước chân của những lớp dân Nam tiến, có mặt ở Huế ngay từ khi mảnh đất này còn là “Ô châu ác địa”. Trong giai đoạn đầu, những trò chơi ấy vẫn mang đậm dấu ấn từ những trò vui của cư dân châu thổ sông Hồng. Ðó là những trò chơi gắn với các lễ hội dân gian, được nhà nước đứng ra tổ chức để mua vui cho thiên hạ trong các dịp lễ lượt như: đua ghe, đấu vật, đu tiê
Thú vui xứ Huế không chỉ phong phú về dạng thức, loại hình mà còn hợp thời, hợp cảnh. Dương Văn An trong Ô châu cận lục từng viết: “Xuân sang thì mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh gái lịch, hạ đến thì bày cuộc viếng thăm với nhiều chốn múa nơi ca”. Không ai thả diều hay du thuyền trên sông Hương vào những ngày mưa dầm gió bấc, cũng như các cuộc trà chỉ thực sự mang đến cho ẩm khách cảm giác khinh khoái trong những ngày đông giá rét, chứ không phải trong những trưa hè oi bức. Thiên nhiên và thời tiết vừa giúp vào việc sản sinh ra các trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế, đồng thời, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến thời điểm diễn ra các cuộc vui ấy.
Cuốn sách nằm cùng trong bộ những cuốn sách về Huế và Triều Nguyễn của tác giả Trần Đức Anh Sơn gồm : Huế - Triều Nguyễn: Một cái nhìn, Trò chơi và thú tiêu khiển của người Huế, Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn.