Thi sĩ như đi vào chỗ uẩn của lòng người, đã cực tả nổi cô đơn và tình thế bi kịch của cái “tôi” cá nhân đang chới với giữa dòng thời gian. Chiếc bóng cô liêu ấy, cứ đau đáu một mình trên hành trình tìm kiếm, tìm cái một đời nửa mà có khi suốt cuộc đợi không bao giờ hạnh ngộ, đó là những giọt lòng rơi giữa thinh không”:
“Giọt buồn rơi vẽ hoa nâu
Chao ôi, hố thẳm mối sầu mênh mông!”
Cô đơn - là nỗi gậm nhấm khủng khiếp nhất đời người, nhất là đối với những bậc “tài cao, phận thấp bé, chí khí uất!”, mong mỏi gặp người tri kỷ để chỉ “Rượu ngon ta uống với nhau. Rót đau lòng đó vào đau lòng này” (Tản Đà), để cùng “ Lắng nghe đôi ngọn lá bàng, thầm thì như tiếng thời gian thở dài” ( Phạm Thiên Thư)
Rồi sau đó, vẫn về với cô đơn.
Saint-Exupéry đã từng nói : “ Chỉ có con người mới xây dựng nỗi cô đơn”. Thật ra, cô đơn là một cái gì đó rất cao, rất minh triết: Bạn hãy nhìn một dáng cây vút cao trơ trội giữa các tầng lá thấp ; cô đơn vì không ai hiểu tới tầm mình “Yến tước an trị hồng hộc chí !” ; cô đơn vì chịu thất thế giữa cõi đời ô trược “ Phượng vẫn bay cao, diều hâu vẫn liệng. Hoa thì mau héo, cỏ mọc xanh”; cô đơn trong cõi vô minh không thể thắp lên một miền sáng “chúng ta khó vượt qua thế lực của kẻ ngu vì chúng… đông quá!” (Albert Elnstein)…Nên suốt đời cứ đau đáu một tri âm!
Nhưng, ta có biết đâu, ta đang sẵn có một tri âm rất vĩ đại, rất tâm đắc, rất gắn bó với ta mà ta không hề biết, đó chính là ta!
… Vì chỉ có chính ta mới cùng ta vui buồn, sống chết không rời nửa bước.
… Chỉ có chính ta mới cùng ta thăng trầm, hiểu và cho nhau hết những gì đang có.
…Chỉ có chính ta mới đem đến cho chính ta từ sáng đến tối, từ tối đến sớm mai có được niềm vui, được hạnh phúc và ung dung tự tại trong cõi đời mình đang sống!
Nó không do bạn thấy biết mà hiện diện, cũng không do bạn chưa rõ mà mất đi; xưa nay nó không hề tách rời chúng ta, nên, soi tỏ được mình, bạn sẽ không còn cô đơn và đau khổ.
Tri âm của ta là chính ta!
“Một chữ tình để duy trì thế giới.
Một chữ tài để tô điểm càn khôn!”