Truyện Trên mảnh đất người đời, là một trong những truyện hay nhất, đồng thời cũng có ý nghĩa xã hội nhất trong văn học Xô Viết. Câu chuyện xoay quanh số phận của một con người, tuy phải trải qua những cảnh ngộ hết sức éo le nhưng vẫn giữ được bản chất nhân hậu và độ lượng, giữ được lòng tin vào tình yêu, vào cuộc sống, tin vào một xã hội công bằng.
Tội ác có thoát khỏi trừng phạt không? Tội ác có thể được tha thứ không? Có thể quên lãng tội ác không? Tha thứ hay báo thù? Hay để mặc cho đời sống, cho thiên nhiên thực thi quy luật huyền bí của nó? Hoặc tin theo ý nghĩ thơ ngây của một đứa trẻ: “đất chỉ yêu người tốt, người nào tốt thì đất nó yêu, còn kẻ xấu thì nó cũng biết trừng phạt đấy.” Nhưng với một đứa trẻ thì “những tấn bi kịch muôn thuở của người đời” đâu có ý nghĩa gì?
Thiên nhiên có thể nguy hiểm nhưng chưa chắc nguy hiểm bằng con người. Thiên nhiên có thể lừa mị, có thể “bịp” như nhân vật chính nói ngay từ đầu truyện nhưng chưa là gì so với con người.
Vậy mà con người, trong tác phẩm của những nghi vấn muôn đời này của Ivanov vẫn hiện ra với nhiều chiều kích lạ lùng, một nhân dạng luôn cần được khám phá qua sử thi và bi kịch, qua tội ác và tinh thần nhân văn mà một tác giả xứng đáng phải biết soi chiếu nó.
Tác phẩm này ánh lên sự chiếu soi như thế. Trên mảnh đất người đời.