Vấn đề “Nông cụ cổ truyền Việt Nam” nhìn từ góc độ tri thức dân gian, sắc thái truyền thống của tộc người và địa phương, vốn là đề tài quan trọng của bộ môn Dân tộc học, đặc biệt là Dân tộc học nông nghiệp và của bộ môn Văn hóa dân gian.
Các nhà Dân tộc học sẽ thấy được trong hệ thống nông cụ của mỗi dân tộc, mỗi địa phương những sắc thái tộc người và địa phương, sự biến đổi của nó trong tiến trình lịch sử dân tộc, trình độ và thói quen trong kỹ thuật nông nghiệp,…
Các nhà Phôncơlo học sẽ thấy được những tri thức và kinh nghiệm quý báu của người nông dân trong việc thích ứng với môi trường, trong sử dụng kỹ thuật để canh tác và sản xuất nông nghiệp, trong quan niệm thẩm mỹ và tính ứng dụng của công cụ.
Như vậy, cả Dân tộc học và Phôncơlo học đều nhìn nhận nông cụ cổ truyền từ góc độ văn hóa, khác với các nhà nông học, cơ khí nhìn nhận nông cụ từ góc độ kỹ thuật là chính
Vấn đề nông nghiệp nói chung, đặc biệt là vấn đề nông cụ cổ truyền nói riêng, từ lâu chưa được giới khoa học xã hội và nhân văn chú ý đúng mức. Các nhà dân tộc học người Châu Âu cũng như Việt Nam chỉ mới có một số bài đơn lẻ giới thiệu về chiếc cày, công cụ gặt, thuyền bè,… của tộc Việt và một số tộc người khác hay nông cụ của một số tộc người ở Việt Nam nằm trong hệ thống chung của nông cụ của các dân tộc Đông Nam Á hay châu Á. Tới nay, hầu như chưa một công trình nào trực tiếp nghiên cứu nông cụ cổ truyền của các dân tộc ở nước ta một cách có hệ thống. Công việc nghiên cứu nhiều năm của chúng tôi, mà kết quả là cuốn sách “Tìm hiểu nông cụ cổ truyền Việt Nam” mà bạn đọc đang có trên tay là một cố gắng theo hướng đó
Quyển sách nghiên cứu một số nông cụ làm đất truyền thống, các phương thức và dụng cục tưới tiêu, các phương thức và dụng cụ thu hoạch, các phương thức và dụng cụ vận chuyển.