Tỉnh Hải Dương ngày nay nằm giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), có diện tích tự nhiên 1.661,2km2, dân số gần 1,7 triệu người; tiếp giáp 6 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Hưng Yên; gồm 1 thành phố, 11 huyện, 263 xã - phường, 1411 thôn - khu dân cư.
Hải Dương nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của nền văn minh Sông Hồng, lại cận kề Kinh thành Thăng Long, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của cả nước; đương nhiên, văn minh Sông Hồng, văn hoá Thăng Long trực tiếp tác động và kết tinh nhiều thành tựu rực rỡ trên đất này.
Hải Dương là vùng đất trù phú, cảnh quan đa dạng, hệ thống sông ngòi chằng chịt; giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông rất thuận tiện, với nhiều tuyến đường huyết mạch của cả nước chạy qua. Từ bao đời, xứ Đông vẫn là "phên dậu phía Đông" của Kinh thành Thăng Long, là địa bàn chiến lược, với những vị trí trọng yếu trong các cuộc chiến tranh giành và bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Ở thời đại nào, Hải Dương cũng là tỉnh đóng góp nhiều nhân tài, vật lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, noi gương các bậc tiên hiền, các thế hệ người tỉnh Đông đã phấn đấu không ngừng, làm cho Hải Dương luôn giữ vững vị trí hàng đầu về phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, có nhiều học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.
Nhận thức sâu sắc rằng: Kho tàng văn hoá truyền thống do tổ tiên để lại đó là vốn di sản quý báu, là cơ sở xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam dân tộc, hiện đại, là nguồn nội lực trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nên ngay sau ngày hoà bình lập lại, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và toàn ngành Văn hoá Thông tin tỉnh nhà đã luôn chăm lo việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của tỉnh.
Các công trình có giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật cao như tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán và đường lên Ngũ Nhạc Linh Từ tại Côn Sơn, đền thờ Tuệ Tĩnh tại xã Văn Thai, Điện Lưu Quang và đền thờ Chu Văn An tại khu di tích Phượng Hoàng...được xây dựng mới hoặc tu bổ lớn những năm gần đây. Môi trường cảnh quan tại các khu di tích được bảo vệ khá tốt. Những nỗ lực to lớn của tỉnh đã góp phần nâng vị thế văn hoá xứ Đông lên một tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu của hàng triệu du khách tới tham quan, nghiên cứu học tập và sinh hoạt văn hoá tâm linh tại các di tích.