Hoàng Hữu Sang là nhà văn người Yên Bái, có đóng góp tích cực cho nền văn học dân tộc thiểu số nói chung và văn xuôi Yên Bái nói riêng với những tác phẩm viết về vùng hồ Thác Bà. Các tác phẩm của ông gồm: tập truyện ngắn Người đánh gấu trên núi suối Mây (1997), tập trruyện ngắn Truyện lạ ở bản Coóc (1999), Tay sét (1999), tiểu thuyết Cửa rừng (2000), Vực thuồng luồng (2006). Tuyển tập Tiểu thuyết – truyện ngắn Hoàng Hữu Sang gồm 2 phần, giới thiệu một phần trong sự nghiệp sáng tác của ông, bao gồm: Phần I: Cửa rừng (tiểu thuyết). Phần II: Truyện lạ ở bản Coóc (tập truyện ngắn). Sáng tác của Hoàng Hữu Sang tập trung tái hiện bức tranh đời sống các dân tộc ở vùng thủy điện Thác Bà trong những năm rục rịch chuyển động theo số hóa và cơ chế thị trường; là vấn đề giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, vấn đề văn hóa tâm linh. Nhân vật trong tác phẩm của ông là những con người nhỏ bé, không thoát khỏi số phận nghiệt ngã nhưng đã thức tỉnh để đi tìm tự do, hạnh phúc dưới ánh sáng của Đảng, của cách mạng.