Các cụ xưa vẫn bảo “Có tật – có tài”! Hay nói đúng hơn thì có tài ắt có tật! Có thể nói nhà thơ Tấn Xuân là người đa tài, đa năng (như đã nói ở trên). Còn cái tật thì chẳng có gì là xấu! Bởi trót sinh làm kiếp lãng tử thì cái chuyện mộng ngoài sân cửa và thả hồn theo gió trăng để thấy cuộc đời mãi mãi là mùa xuân thì cũng là lẽ thường tình:
-Này em hỡi! Anh suốt đời vẫn vậy
Mãi say mê theo tiếng nói trái tim mình…
Và: -Xuân muôn thuở, mùa xuân là muôn thuở
Của tình yêu, hạnh phúc với ước mơ…
(Thì thầm)
Cũng bởi vì có trái tim đa cảm ấy, nên nhiều khi tâm hồn Tấn Xuân bất chợt bắt gặp và giao thoa để rồi đồng cảm với những tâm hồn, những con người đã đi qua đời ông và để lại những ấn tượng khó phai:
Ngày ấy – cách đây bốn năm rồi
Một lần, vâng, chỉ một lần thôi
Anh nghe em hát bài non nước
Khúc hát theo anh đến trọn đời
Khúc hát cho anh hồn thi sĩ
Để chúng mình chung dệt ước mơ…
(Ngày ấy)
Bài thơ “Ngày ấy” như những lời tự sự cứ thì thầm, rỉ rả len lỏi vào tâm tư tình cảm của những người thưởng ngoạn – để rồi họ thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước và con người Việt Nam lúc nào mà không hay. Đó cũng là sự thành công của tác giả khi đan kết tâm hồn mình vào với “Làn điệu dân ca” ngọt ngào, trữ tình và sâu lắng được phát ra từ miệng một cô giáo (có lẽ là trẻ và đẹp lắm);
Đôi khi ta cũng bắt gặp một Tấn Xuân nồng nàn, say đắm và bồng bột như thời trai trẻ khi nhớ về một cuộc tình đổ vỡ nào đó:
Nhiều khi ta lại nhớ em
Nhớ từ sâu thẳm, nhớ đêm, nhớ ngày
Để rồi: -Người ơi nhớ, thêm đắng cay!
Lửng lơ bóng nhớ, tỏ bày cùng ai?