Tiễn biệt những ngày buồn là cuốn tiểu thuyết được nhà văn Trung Trung Đỉnh viết vào những năm 80 (của thế kỷ 20). Câu chuyện xảy ra trong tiểu thuyết cũng là câu chuyện của chính cuộc đời ông. Đó là cuộc sống của những người dân trong giai đoạn chuyển tiếp từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường với ngổn ngang bao sự đổi thay.
Chỉ là một cái ngõ thông thường như bao cái ngõ quanh co của thành phố Hà Nội, nhưng ở cái ngõ đó, cuộc sống của những người công nhân, trí thức, thợ thủ công, lao động tự do được bộc lộ một cách đặc trưng nhất. Ở đó, có Bình, biên tập viên báo Hạnh Phúc, nhưng lại gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống riêng. Xoay, một nhà văn độc thân chỉ biết mê mải làm nghề và luôn chân thành, chân chất, thật thà trong tình yêu với Sương mà không hề biết đến những toan tính cùng cách sống thực dụng của cô. Sự va chạm giữa hai lối sống thực dụng, cơ hội với chân thật, hồn nhiên ẩn dưới những câu chuyện tưởng chừng hài hước nhưng không thiếu bi kịch.
Một bà Mão, quanh năm hương khói thờ thần Phật nhưng cả đời vẫn phải sống dựa người khác, bị đuổi ra khỏi chính ngôi nhà của mình. Một Ron, luôn luôn cúc cung tận tụy cho sự nghiệp, cứ nghĩ ai đó đã nói là phải đúng, đã đúng là phải làm, đã làm quyết không sai, rốt cuộc ra về tay trắng, hóa thành một anh ngớ ngẩn, nhìn con chết mà bất lực...