Từ thế kỷ XVI, bên cạnh các tôn giáo có từ trước như Nho, Phật, Đạo, một tôn giáo mới đã bước đầu được truyền bá vào Việt Nam: Thiên Chúa Giáo. Phải thừa nhận rằng, Thiên Chúa giáo là chủ thể lịch sử vô cùng phức tạp, có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau kể từ khi được xuất hiện ở Việt Nam. Cho nên việc tìm hiểu về các dòng tu, các giáo sĩ trong quá trình truyền đạo ở Việt Nam là cần thiết.
Quyển sách Thư của các giáo sĩ thừa sai từng được xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1821. Nguyễn Minh Hoàng đã tiến hành dịch lại bằng tiếng Việt do NXB Văn học và Trung tâm Quốc học xuất bản năm 2013. Đây là một quyển tư liệu tập hợp những bức thư của các giáo sĩ thừa sai của Hội thừa sai Paris trong quá trình truyền đạo ở Việt Nam từ năm 1766-1786. Quyển sách gồm 2 phần. Phần đầu là giới thiệu sơ lược về nước Việt Nam xưa còn phần sau là tập hợp 57 bức thư của các giáo sĩ thừa sai gửi về Pháp hay Ma Cao cho người thân hay các cha bề trên trong Hội Thừa sai Paris.
Có thể nói, đây là một tập tư liệu hết sức quý giá giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hoạt động truyền giáo ở Việt Nam hay một phần bức tranh xã hội được các giáo sĩ thừa sai thuật lại. Ví dụ như các dịch bệnh năm 1764 [tr.93] hay tình hình thiên tai, “dịch sâu cắn lúa” năm 1785-1786 dẫn đến việc “giá gạo vì thế càng ngày càng tăng cao. Những người giàu đóng kho gạo của họ lại không bán ra nữa. Từng nhóm trộm cướp và từng toán ăn mày xuất hiện khắp nơi cướp bóc, đốt phá, giết người, quan binh không dám chống lại chúng”