Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, huyện Thoại Sơn nói riêng và tỉnh An Giang nói chung, vẫn đang thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau, như: khảo cổ học, lịch sử, dân tộc học, xã hội học, kinh tế, môi trường sinh thái v.v. Tuy vậy, một nghiên cứu khu vực học mang tính tổng thể về một không gian xã hội văn hóa Óc Eo - Thoại Sơn vẫn chưa được quan tâm đầy đủ. Vận dụng cách tiếp cận đa ngành và liên ngành chúng tôi đã tiến hành đánh giá toàn diện và tổng hợp về các điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hoá, tiềm năng phát triển kinh tế, chính sách phục vụ phát triển bền vững cho một vùng đất cụ thể: huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang - “đất hình thắng quan yếu ở miền Tây”. Theo định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam), thì vấn đề thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững là một lĩnh vực cần ưu tiên trong phát triển kinh tế bền vững.